Xã hội

Tạo thói quen sử dụng hàng Việt trong mua sắm, tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày

Cà Mau

Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến mại, giảm giá đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với hàng hóa có thương hiệu, có đủ thông tin để so sánh.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm giày, dép sản xuất trong nước. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

TTXVN - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và các văn bản, chủ trương mới của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau về thực hiện cuộc vận động mang tầm quốc gia.

Theo ông Phan Mộng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau, thời gian tới, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nội địa; tăng cường các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp với các địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức hội chợ triển lãm thương mại, tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Cơ quan chức năng tỉnh tăng cường phối hợp làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng. Qua đó, các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến việc niêm yết giá, các hành vi buôn lậu, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đầu cơ găm hàng gây rối loạn thị trường và hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh, nhất là hàng hóa tiêu dùng lưu thông trôi nổi, trốn thuế, không rõ nguồn gốc…

Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền với các hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hiệu quả và chú trọng việc nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt cuộc vận động; quảng bá thông tin về sản phẩm của địa phương đã được công nhận, góp phần đưa sản phẩm tiếp cận đến người tiêu dùng. Đặc biệt là tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương trong tỉnh thực hiện mô hình “Khu dân cư tự hào dùng hàng Việt Nam”; chú trọng việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo các cấp; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp mới, rộng khắp trong toàn tỉnh. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến mại, giảm giá đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với hàng hóa có thương hiệu, có đủ thông tin để so sánh. Hiện nay, hàng Việt Nam dần có tác động tâm lý tốt đến người tiêu dùng, tạo sự an tâm tin tưởng và thói quen sử dụng hàng Việt trong mua sắm, tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày.

Nổi bật, Sở Công thương tỉnh tham mưu UBND tỉnh Cà Mau đề xuất tham gia “Tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành” năm 2023 tại Showroom xuất khẩu; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình.

Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó đề cử 4 sản phẩm tham gia Chương trình “Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP-BEST các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bán chạy trên thị trường Việt Nam của 63 tỉnh, thành năm 2022 - 2023”.

UBND các huyện, thành phố Cà Mau đã tiếp tục duy trì 15 cửa hàng tiện lợi, 8 điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ trước đó; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển mở rộng mạng lưới phân phối, bán lẻ hàng Việt Nam dưới hình thức cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, các hình thức bán hàng lưu động. Theo đó, thương nhân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công 8 hội chợ thương mại ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh. Từ đó, quyền, lợi ích của người tiêu dùng ngày càng được quan tâm và bảo vệ. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nâng cao nhận thức, cam kết, thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Thị trường hàng hóa Việt trên địa bàn tỉnh được phát triển ổn định.../.

Kim Há

Xem thêm