Xã hội

Triển khai chương trình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023

TP. Hồ Chí Minh

Cuộc vận động đã từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân; các doanh nghiệp ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với lợi ích người tiêu dùng.

Trao bằng khen cho các tập thể,  cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN).

TTXVN - Chiều 7/7, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết Cuộc vận động năm 2022, triển khai chương trình hoạt động năm 2023.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, sản xuất và phân phối hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hồ Hải cho rằng, công tác tuyên truyền Cuộc vận động cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, giúp xây dựng thói quen tiêu dùng hàng hóa Việt Nam của người Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp hàng hóa, nhà phân phối cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng hàng hóa Việt, mang lại sự yên tâm khi sử dụng và thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa Việt Nam thay thế cho các sản phẩm ngoại nhập.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển tải đến người tiêu dùng về tinh thần yêu nước thông qua ý thức mua sắm hàng Việt Nam; thể hiện quyết tâm chung của lãnh đạo Thành phố, cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng văn hóa mua sắm hàng hóa Việt Nam, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, bảo vệ nền sản xuất quốc gia.

Ông Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại lễ tổng kết. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN).

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần nghiên cứu xây dựng và lựa chọn các mô hình, cách làm hiệu quả để triển khai nhân rộng, lan tỏa trên toàn địa bàn Thành phố.

Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố, cần phát động, mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”; tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa có truy xuất nguồn gốc sản xuất ngành hàng nông sản, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giúp ổn định cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, đáp ứng mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay.

Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động, cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp củng cố và nâng cao năng lực hoạt động, tăng cường kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động đã từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân; các doanh nghiệp ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với lợi ích người tiêu dùng để tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thị trường hàng hóa trên địa bàn Thành phố năm 2022 tương đối ổn định, lượng hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định; công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường được quan tâm triển khai hiệu quả; các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, từ đó hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Nhân dịp này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen cho 29 tập thể là các doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai Cuộc vận động năm 2022./.

Xuân Khu

Xem thêm