Xã hội

Tháng hành động vì trẻ em 2024: Vì một mùa hè an toàn cho trẻ

Bắc Ninh

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, học sinh, bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước.

Hướng dẫn học sinh cách sơ cứu người bị đuối nước. 
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Tai nạn đuối nước ở trẻ em luôn là nỗi lo đối với mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là mỗi khi hè về. Tại Bắc Ninh, mặc dù mới bắt đầu vào mùa hè nhưng đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng các em nhỏ. Qua đó tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trẻ em từ mỗi gia đình, nhà trường và xã hội.

Báo động nguy cơ mất an toàn

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, trong vòng chưa đầy 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 6 trẻ em bị đuối nước tử vong. Điển hình, chiều 29/4, vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình làm 2 em sinh năm 2011 thiệt mạng. Trước đó, chiều 2/4, tại hồ điều hòa phường Thị Cầu xảy ra vụ đuối nước thương tâm, 1 học sinh nam lớp 9 bị đuối nước khi đi tắm cùng 3 bạn...

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em hay bị đuối nước là do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước. Cá biệt, có trẻ em biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước vì thiếu kiến thức, kỹ năng chủ động phòng tránh, không biết kỹ năng tự cứu và cứu đuối an toàn dẫn đến những vụ việc đáng tiếc khi trẻ vì cứu bạn mà đuối nước. Cùng với đó, môi trường sống của trẻ thật sự chưa an toàn, nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông nhưng không có hàng rào bảo vệ, các giếng, bể nước không có nắp đậy… cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị đuối nước.

Tại khu vực hồ điều hòa phường Thị Cầu, nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 1 em học sinh và 1 người lớn tử vong chỉ trong vòng hơn 1 tháng, dù có biển cảnh báo “khu vực nước sâu nguy hiểm, cấm bơi lội” song nhiều người, trong đó có các em học sinh vẫn nô đùa, tắm, bơi dưới hồ trong khi không có biện pháp bảo hộ hay người giám sát.

Em Đỗ Văn Dương, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh cho biết: Mùa hè em thường cùng các bạn ra hồ bơi. Mặc dù có nhìn thấy biển cảnh báo nhưng do biết bơi từ lâu nên em rất tự tin với kỹ năng bơi lội của mình. Em và các bạn không hề cảm thấy lo lắng. Đặc biệt, người lớn thấy các em nô đùa nhưng cũng không có thêm lời cảnh báo nào.

Cùng tâm lý như em Đỗ Văn Dương, nhiều gia đình sống gần sông trên địa bàn tỉnh những ngày hè thường ra sông tắm với những dụng cụ bảo hộ rất thô sơ như sử dụng chai nước, can nhựa, thậm chí không sử dụng bảo hộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Anh Phùng Đắc Tiệp, xã Đào Viên, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, ở sông Đuống thường bờ cát thoải, nhiều nơi còn có bãi bồi như khu vực ở địa phận thôn Đông, xã Đào Viên nên buổi chiều hàng ngày có hàng chục trẻ em, người lớn ra tắm. Những ngày nóng nực, khu vực sông này có tới hàng trăm người xuống tắm, trong khi đại đa số không có bảo hộ. “Khu vực sông này không chỉ thu hút người dân địa phương ra bơi lội mà nhiều người ở những thôn lân cận đều xuống tắm mà không có người giám sát. Bởi vậy, rất mong các cấp chính quyền vào cuộc, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trẻ nhỏ”, anh Tiệp nói.

Học sinh trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh khởi động trước khi tập bơi. 
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Chủ động các biện pháp bảo vệ trẻ em

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh cho biết: Với mục tiêu giúp học sinh, giáo viên các nhà trường nâng cao hiểu biết về các kỹ năng cơ bản phòng chống tai nạn thương tích, kêu gọi gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay bảo vệ trẻ em, hàng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các đợt truyền thông về quyền trẻ em, trong đó nhấn mạnh nội dung về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước.

Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Sở đã tổ chức các buổi tuyên truyền, trang bị kỹ năng cho học sinh tại 5 trường Tiểu học trong tỉnh với sự tham gia của gần 6.000 người. Tại mỗi buổi truyền thông, học sinh, giáo viên các nhà trường được cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về cách thức phòng ngừa, ứng phó với những tai nạn thương tích thường gặp như: đuối nước, hỏa hoạn, tai nạn giao thông… Các em học sinh cũng được thực hành những kỹ năng cơ bản giúp tự bảo vệ bản thân và thoát hiểm an toàn như kỹ năng tự nổi, sơ cứu người bị đuối nước, cứu đuối nước an toàn, thoát nạn trong điều kiện ngạt khói...

Em Đỗ Bảo Trân, lớp 3A6, Trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh cho biết: Mặc dù em chưa biết bơi nhưng khi được các thầy, cô tuyên truyền về cách phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt kỹ năng tự nổi trong môi trường nước, em thấy hoạt động này rất ý nghĩa. Em nhận ra kỹ năng bơi lội rất cần thiết để bảo vệ mình khỏi tai nạn đáng tiếc.

Hướng dẫn các em học sinh Trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh cách tập nổi khi học bơi. 
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Cô Lưu Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiền An cho biết: Chương trình truyền thông chuyên đề về phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ rất hữu ích với học sinh bởi cung cấp rất nhiều kiến thức thiết thực, đặc biệt là cơ hội thực hành với sự hướng dẫn của các chuyên gia. Qua chương trình, nhà trường cũng rút được nhiều kinh nghiệm để điều chỉnh phương pháp truyền đạt đến học sinh, giúp công tác giáo dục kỹ năng sống sinh động hơn, tạo sự cuốn hút và ghi nhớ sâu hơn với lứa tuổi nhỏ.

Bên cạnh tăng cường công tác truyền thông, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng các câu lạc bộ, mô hình tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo kế hoạch, hè năm 2024, Đoàn Thanh niên tỉnh thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các lớp dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 10.000 lượt thanh, thiếu nhi. Cùng với đó, các gia đình cũng quan tâm cho trẻ tham gia các lớp học bơi tại các nhà trường, bể bơi do các tổ chức, cá nhân xây dựng…

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tai nạn đuối nước, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục về phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Công an tỉnh tăng cường kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cứu nạn, cứu hộ, trong đó, chú ý kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống đuối nước trẻ em tại các cơ sở, khu vực có bãi tắm, bể bơi hoặc ao, hồ… Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, học sinh; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước./.

Phùng Thị Thanh Thương

Tin liên quan

Xem thêm