Kết quả đạt được trong thu hút đầu tư của Thanh Hoa là do tỉnh đã tăng cường quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, cơ hội, tiềm năng và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều cách làm mới, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, năm 2024, với quyết tâm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo Trung ương; triển khai quyết liệt, bài bản, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh; có nhiều đổi mới trong xúc tiến đầu tư và xây dựng tầm nhìn phát triển tỉnh; nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc, nhiệm vụ ngày càng nhiều và nặng nề hơn.
Kết quả đạt được trong thu hút đầu tư của Thanh Hoa là do tỉnh đã tăng cường quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, cơ hội, tiềm năng và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Singapore; tiếp và làm việc với các đoàn Đại sứ quán Ấn Độ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tập đoàn, nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư vào tỉnh; thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như kiện toàn tổ xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư; tổ chức hội nghị đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về tìm hiểu, nghiên cứu thông tin, đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.…
Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, Đề án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh cũng tập trung rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; thường xuyên đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành trung ương để được hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết trong quá trình vận động, xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lưu ý các ngành, các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án; UBND cấp huyện thực hiện nghiêm việc ký cam kết và bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư và phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ do nguyên nhân chủ quan.
Theo đó, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và đẩy mạnh triển khai dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư cũng như thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS…
Các ngành, địa phương chủ động đôn đốc các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, nhân lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là các dự án quy mô lớn, trọng điểm như: Dây chuyền 4 Nhà máy xi măng Long Sơn; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Khu công nghiệp số 3 Khu kinh tế Nghi Sơn; Khu du lịch sinh thái Tân Dân; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long (Thành phố) Thanh Hoá…
Tỉnh phấn đấu sẽ khởi công xây dựng một số dự án quy mô lớn, như: Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang, Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Quý, Dự án trung tâm thương mại Quảng Thành, Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn... cũng như nhanh chóng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn; Khu công nghiệp phía Tây (thành phố Thanh Hóa) và Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh (huyện Thiệu Hóa).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp; trong đó có 12 dự án FDI, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm trước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10.900 tỷ đồng và 177 triệu USD. Trong số 59 dự án đầu tư trực tiếp có 25 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 17 dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ; 4 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 9 dự án thuộc lĩnh vực khai khoáng; 4 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn được nhắc đến như: Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa 3.199 tỷ đồng; Hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận 2.545,8 tỷ đồng; Trạm biến áp 220 kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối 220 kV Thanh Hóa - Sầm Sơn 1.319 tỷ đồng; Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Phúc, Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Trung và thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa 1.444,5 tỷ đồng…./.
- Từ khóa:
- Thanh Hóa
- thu hút đầu tư
- dự án trọng điểm
- tăng mạnh