Chủ động nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người lao động; có biện pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới.
(TTXVN) Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy bị giảm đơn hàng, cá biệt có doanh nghiệp không có đơn hàng nên phải cắt giảm lao động, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn số 896-CV/TU tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động bị mất việc làm.
UBND tỉnh tập trung nắm chắc tình hình hoạt động, việc cắt giảm, cho thôi việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Các đơn vị chức năng theo dõi tình hình tranh chấp lao động, chủ động phòng ngừa và giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạo điều kiện cho người lao động sớm tìm được việc làm mới.
Các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người lao động trong doanh nghiệp; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm mới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để duy trì, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp, giải pháp khắc phục tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp; tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, doanh nghiệp chưa đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; tổng hợp các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển…
Theo báo cáo từ quý II đến hết năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 27 nghìn trường hợp; trong đó, lao động từ các tỉnh khác về 15 nghìn người; lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở tỉnh 12 nghìn người, tăng gần 13% so với thời điểm này năm 2021.
Qua tổng hợp của các cấp Công đoàn Thanh Hóa, địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp đang thực hiện giảm giờ làm, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động với 7.240 lao động bị ảnh hưởng. Trong số đó, 5.278 người bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng; 1.962 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động./.