Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong kỳ họp HĐND thứ 13, đánh giá tích cực về kết quả kinh tế-xã hội 2023 đồng thời đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5-8% cho năm 2024.
TTXVN - Chiều 7/12, kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
*Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng
Đề cập đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, dù còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt nhưng kết quả đó là rất đáng trân trọng trong bối cảnh Thành phố bị ảnh hưởng nhiều từ tình hình thế giới và cả nước. Đó là kết quả của sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp tại Thành phố. Với 8 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt, Thành phố sẽ có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Về vấn đề đầu tư công, Thành phố đã giải ngân được 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2% so với kế hoạch năm. Dù tỷ lệ giải ngân thấp nhưng khối lượng giải ngân được là rất lớn, gấp đôi năm 2022. Trong thời gian còn lại của năm 2023, Thành phố phấn đấu giải ngân 95% với những dự án thuận lợi, không dưới 80% với các dự án lớn; đạt tỷ lệ giải ngân không thấp hơn năm 2022.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố xác định chủ đề năm 2024 là "Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội", trong đó tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu đạt 1 chỉ tiêu. Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%. "Thành phố dự báo 3 kịch bản tăng trưởng, đó là tình hình bất lợi thì GRDP từ 5 - 6,3%, trung bình thì GRDP từ 6,3 - 7%, thuận lợi thì GRDP từ 7,1 - 7,9%. “Mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% là ở kịch bản thuận lợi. Thành phố đặt mục tiêu cao để thử thách và phấn đấu. Thành phố sẽ có các giải pháp đột phá" - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Đề cập đến khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ chung cũng như các chính sách đang thực hiện, năm 2024 Thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến như kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp khoa học-công nghệ; xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; đề án xây dựng doanh nghiệp dẫn đầu của Thành phố.
*Nghiên cứu quy trình thủ tục đầu tư nhanh gọn hơn
Qua báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của UBND Thành phố, đại biểu Lê Minh Đức nhìn nhận, việc triển khai 4 chương trình trọng điểm đột phá phát triển Thành phố trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, chưa tạo đột phá. Mặt khác, việc thực hiện kêu gọi đầu tư của Thành phố cũng chưa đạt như mong muốn. Đại biểu Lê Minh Đức quan tâm đến các giải pháp sẽ được UBND triển khai để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong số 49 đề án kinh tế-xã hội, đến nay Thành phố đã cụ thể hóa triển khai được 45 đề án, số còn lại chưa hoàn thành; đóng góp của 49 đề án này cho phát triển kinh tế-xã hội chưa được như kỳ vọng. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp triển khai các đề án cũng như tích hợp vào thực hiện các Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Trong đó, Thành phố sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm và gắn việc thực hiện các đề án với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Về công tác kêu gọi đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố nhìn nhận việc thu hút đầu tư thời gian qua còn khó khăn, vướng mắc. Rút kinh nghiệm thực tiễn, sau khi được HĐND Thành phố thông qua danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, UBND Thành phố sẽ khẩn trương nghiên cứu để ban hành quy trình hồ sơ, thủ tục theo hướng nhanh gọn hơn; tập trung cho những dự án có thể làm ngay, làm được để triển khai sớm.
Liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội mà nhiều đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, Thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó sẽ có 6.500 căn nhà ở xã hội. Còn về các dự án kéo dài, ông Phan Văn Mãi cho rằng đây là thực tế của Thành phố và đã có có phân nhóm để tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng mắc do pháp lý triển khai dự án ở thời điểm trước đây so với hiện tại có sự khác nhau nên phải điều chỉnh. Thời gian qua, Thành phố đã hệ thống lại, phân nhóm và tháo gỡ. UBND Thành phố sẽ chỉ đạo UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện tập trung giải quyết các dự án trong thời gian tới.
Về quản lý hiệu quả lòng lề đường mà nhiều đại biểu đề cập, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, quan điểm của Thành phố không phải cấm sử dụng mà tổ chức, sắp xếp hoạt động phù hợp, vừa đảm bảo trật tự, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị. Tinh thần chung là tổ chức sắp xếp hài hòa giữa nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh kế của người dân và công năng vỉa hè, lòng đường với đảm bảo trật tự an ninh và mỹ quan đô thị. Thành phố hiện có hơn 700 km đường nội thị có vỉa hè rộng từ 3 mét trở lên. Thành phố đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng trên địa bàn, đăng ký khai thác một số hoạt động trên một số tuyên đường phù hợp để triển khai theo nghị quyết của HĐND. Rút kinh nghiệm từ tổ chức thực hiện trong thời gian qua, thời gian tới Thành phố sẽ ứng dụng số trong việc quản lý, thu phí./.