Thực thi chính sách

Kết nối, hỗ trợ người lao động tìm việc, ổn định cuộc sống

Khánh Hòa

Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm cho 11.000 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn cho trên 500 lượt người đi lao động ở nước ngoài...

Nhân viên tư vấn tiếp nhận đơn đăng ký tuyển dụng của nhà tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

TTXVN - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 11/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở đã tư vấn cho trên 18.000 lượt người. Trong đó, Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm cho 11.000 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 6.500 lượt người không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn cho trên 500 lượt người đi lao động ở nước ngoài (trong đó có gần 300 người đã có việc làm ở nước ngoài thành công).

Để có được kết quả trên, ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm để gắn kết người lao động và nhà tuyển dụng; đồng thời, tổ chức tư vấn trực tuyến qua hệ thống website của đơn vị, tổ chức Ngày hội việc làm…

Ông Chu Văn Công cho biết thêm, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường, nhu cầu của khách hàng…, doanh nghiệp có yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự; từ đó, tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ Đại học trở lên. Để đáp ứng được điều này, người lao động cần tích cực trau dồi kỹ năng, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các doanh nghiệp.

Tư vấn cho người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

“Nhiệm vụ của Trung tâm là thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối đưa người lao động và người tuyển dụng lao động đến với nhau. Kết quả phụ thuộc lớn vào chất lượng của nguồn lao động. Do đó, cùng với việc tổ chức những phiên giao dịch việc làm, đơn vị chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nhằm tạo nên nguồn lao động chất lượng cao cho các nhà tuyển dụng”, ông Chu Văn Công nhấn mạnh.

So với năm 2022, tình hình tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã khởi sắc hơn. Địa phương có khoảng 11.000 người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 - 5 tháng, phần lớn người lao động đã có việc làm trở lại và dừng hưởng trợ cấp. Bên cạnh đó, nhiều lao động nhận hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 lần để chuyển sang công việc tại nhà.

Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong thời điểm cuối năm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở Khánh Hòa đã tăng cường tuyển dụng lao động, khiến thị trường lao động tiếp tục có những chuyển biến tích cực và sôi động hơn. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có trên 2.100 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Các mảng tuyển dụng chủ yếu ở lĩnh vực: may mặc, chế biến thủy sản ở các khu công nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các phiên giao dịch việc làm hay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng gia tăng.../.

Phan Sáu

Tin liên quan

Xem thêm