Thị xã Đông Triều quyết tâm trở thành điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh trước năm 2025.
Mục tiêu cao nhất của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của "hạnh phúc".
Đích hướng tới của thị xã là nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo phương châm "Thực chất, hiệu quả, toàn diện và bền vững".
Bí thư Thị ủy thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) Nguyễn Văn Công cho biết: Thị xã quyết tâm trở thành điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh trước năm 2025.
Giai đoạn 2021 - 2023, thị xã đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới gần 31.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là trên 61,5 tỷ đồng; từ ngân sách tỉnh trên 445 tỷ đồng; từ ngân sách thị xã và các xã là trên 831 tỷ đồng; vốn tín dụng là 7.445 tỷ đồng; còn lại trên 23.000 tỷ đồng (chiếm 71,5%) là các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng, xây dựng nhà ở.
Thị xã vận động được 7.300 hộ dân hiến đất làm đường liên thôn, xóm, nội đồng với diện tích gần 175.000m2; tháo dỡ gần 5.000m2 tường bao; di chuyển trên 2.500 cây xanh các loại; huy động hơn 2.500 ngày công để mở rộng đường, mương…
Đông Triều hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp như: trồng na dai, cam canh, bưởi diễn, nuôi bò 3B, nuôi trâu tập trung quy mô lớn, triển khai trồng ổi theo mô hình VietGAP, phát triển nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) có giá trị cao... Hiện thu nhập bình quân khu vực nông thôn Đông Triều đạt trên 85 triệu đồng/người/năm (tăng trên 2,3 lần so với năm 2015); công tác môi trường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn được chú trọng thực hiện, nhiều vùng nông thôn trở thành miền quê thực sự đáng sống.
Đến nay, toàn thị xã có 9/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến 2 xã còn lại là Tràng Lương và Hồng Thái Tây sẽ về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.
Sau hơn 12 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh hiện có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 57,1%), 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 26,5%), 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%).
Như vậy, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt các nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra./.