Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 235 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 – 2024) tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Sáng mãi hào khí cờ đào”.
TTXVN - Tối 14/2 (nhằm mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 235 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 – 2024) tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Sáng mãi hào khí cờ đào”.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng các đại biểu ôn lại chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử như một minh chứng cho truyền thống quả cảm, không chịu khuất phục của dân tộc ta trước mọi thế lực xâm lăng.
Cách đây 235 năm, triều đình nhà Thanh nhân thế nước Đại Việt rối ren đã sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống soái 29 vạn quân binh sang xâm lược. Nhận được cấp báo, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã lập đàn ở phía Nam núi Ngự Bình (Huế) làm lễ trọng thể tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức tiến quân ra Bắc. Bằng nghệ thuật chuyển quân thần tốc, chiến thuật quân sự tài tình cùng sự hợp sức của nhân dân, chỉ trong 5 ngày, Hoàng đế Quang Trung cùng đội quân áo vải cờ đào đã đánh tan lực lượng quân Thanh, giành lại Kinh thành Thăng Long, giữ vững sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lăng, viết tiếp trang sử vàng về tinh thần dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh dấu một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc: chiến thắng đỉnh cao của phong trào Tây Sơn được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của những người nông dân chân lấm tay bùn cùng với ý chí độc lập tự chủ của cả dân tộc, chứng minh thiên tài quân sự kiệt xuất và độc đáo của Quang Trung - Nguyễn Huệ, đồng thời phản ánh trình độ phát triển mới của chiến tranh cứu nước và nghệ thuật quân sự của Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta không ngừng phát huy và tỏa sáng. Những bài học lịch sử về việc phát huy “thế trận lòng dân” và “sức mạnh nhân dân” từ những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử mãi là những dấu son rực sáng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bà Trần Kim Yến cho biết, nhìn lại năm 2023 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng với cả nước đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức, biến động khó lường của tình hình thế giới, khu vực để hoàn thành nhiệm vụ với những kết quả đáng trân trọng. Thành phố đã thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, GRDP của Thành phố tăng 5,81%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng gần 11%, tổng thu du lịch tăng 22% so với cùng kỳ, khách quốc tế đến Thành phố tăng 44,3%. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong năm 2023 với 5,85 tỷ USD, thu hút hơn 9 tỷ USD kiều hối, tăng 35% so với năm ngoái.
Những kết quả Thành phố Hồ Chí Minh đạt được đã góp phần ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng, nâng cao năng lực, sức chống chịu của nền kinh tế trong nước. Đó là kết quả không chỉ tạo ra cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đóng góp vào kết quả chung của cả nước. Cùng với những kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã tập trung chăm lo ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tết Giáp Thìn năm nay, toàn hệ thống chính trị Thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã cùng nhau vận động, với những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp, để mọi người, mọi nhà đều có một mùa Xuân yên vui, sum vầy, ấm áp. Năm 2024, chính quyền và nhân dân Thành phố quyết tâm tiếp tục xây dựng và phát triển Thành phố, xứng đáng với những hy sinh, đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước.
Chương trình sân khấu hóa “Sáng mãi hào khí cờ đào” quy tụ sự tham gia của hơn 100 diễn viên, ca sỹ, vũ công, nhạc sỹ... đến từ Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh như: Nghệ sỹ Nhân dân Hữu Quốc, Nghệ sỹ Nhân dân Mỹ Hằng; các Nghệ sỹ Ưu tú: Kim Tử Long, Võ Minh Lâm, Quỳnh Hương, Tâm Tâm, Phạm Thế Vĩ; Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thuận; các ca sỹ Nguyễn Phi Hùng, Thanh Nguyên, Trung Kiên, Bích Lệ, Kim Luyên, Ánh Ngọc; nhóm Lạc Việt; nhóm Mắt Ngọc; nhóm 135... Các nghệ sỹ đã cùng phối hợp biểu diễn 16 tiết mục ca, múa, kịch được dàn dựng bài bản, sáng tạo, đầy tính thẩm mỹ và đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.
Với 4 chương gồm: “Tiếng trống Tây Sơn”, “Lời hiệu triệu nước non”, “Thăng Long mùa Xuân đại thắng” và “Đất nước vạn mùa Xuân”, chương trình ca ngợi tài, tâm, đức của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc được tái hiện sinh động qua các tiết mục ca cảnh, hoạt cảnh, võ nhạc, tổ khúc, nhạc múa như: “Tây Sơn tụ nghĩa”, “Sông nước Rạch Gầm”, “Bản hùng ca trên sóng”, “Luận trúc tùng”, “Vượt sông Gianh, hành quân thần tốc”, “Thu phục lòng dân”, “Cung đàn Xuân”, “Rạng rỡ Việt Nam”…
Từ chiến thắng lịch sử của quân đội Tây Sơn đã đánh dấu một mốc son chói ngời về chủ quyền và độc lập dân tộc, lưu danh người anh hùng Nguyễn Huệ áo vải cờ đào, người đã xóa đi cái ranh giới Đàng Trong, Đàng Ngoài in hằn qua hai thế kỷ...
Thông qua các tiết mục nghệ thuật của chương trình, tập thể các nghệ sỹ, ca sỹ mong muốn làm “sống lại” những chiến công hiển hách của cha ông cùng những thành tựu của đất nước hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là những kết quả từ quá trình không ngừng ra sức phấn đấu và phát triển toàn diện của Thành phố Hồ Chí Minh để cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của phát triển và hội nhập./.