Sức khỏe

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm trước thềm năm học mới

TP. Hồ Chí Minh

Các đơn vị phối hợp triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm như: Sởi, đậu mùa khỉ,

Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh khám cho trẻ mắc tay chân miệng.
Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, một số loại bệnh truyền nhiễm đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là bệnh sởi và bệnh đậu mùa khỉ khiến người dân lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng khi kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và dịp khai giảng năm học mới đang đến rất gần. Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 22/8, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm đã thông tin về việc triển khai giải pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm của ngành Y tế Thành phố trong thời gian tới cũng như đưa ra một số khuyến cáo đến cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, hiện nay bệnh sởi đang có “diễn biến phức tạp” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tính từ ngày 12 - 18/8/2024 (tuần 33), Thành phố ghi nhận 100 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có 17 ca được xác định dương tính với sởi thông qua phòng thí nghiệm, gồm 9 ca tại huyện Bình Chánh, 6 ca tại quận Bình Tân, 1 ca tại Quận 8 và 1 ca tại thành phố Thủ Đức; 61 ca lâm sàng; 22 ca loại trừ.

Về phân bố theo nhóm tuổi, trong 78 ca sởi (17 ca dương tính, 61 ca lâm sàng) được ghi nhận ở tuần 33 có 18 ca dưới 9 tháng tuổi, 45 ca từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi và 15 ca trên 5 tuổi. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến hết ngày 21/8/2024 tại Thành phố là 353 ca.

Trước sự gia tăng nhanh chóng số ca sởi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực miền Nam, Sở Y tế Thành phố đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế quyết liệt hơn nữa trong triển khai giải pháp kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng gồm các hoạt động như: giám sát phát hiện và khoanh vùng sớm ổ dịch sởi; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động tiêm chủng, rà soát lập danh sách trẻ để mời tiêm chủng vaccine sởi; đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm vaccine an toàn, hiệu quả, nâng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi tại Thành phố đạt trên 95%; tăng cường phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện...

Đồng thời, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các trạm y tế xã phường, thị trấn đẩy mạnh hoạt động tiêm bù, tiêm vét vaccine cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; tích cực rà soát trẻ sống trên địa bàn và tư vấn gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine sởi và các vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc điều trị, dịch truyền, thiết bị… phục vụ công tác thu dung điều trị người bệnh; giao các bệnh viện đang quản lý bệnh nhân rà soát tiền sử tiêm chủng đối với các bệnh nhân có bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý nền; tổ chức tiêm vaccine tại bệnh viện cho những bệnh nhi có đủ điều kiện tiêm chủng và tư vấn tiêm chủng cho người nhà của những bệnh nhi không đủ điều kiện.

Sở Y tế cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh Sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, các chuyên gia về Y tế công cộng của Thành phố.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ (còn gọi là Mpox), ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là địa phương ghi nhận số ca mắc (156 ca) và tử vong (6 ca) do Mpox trong năm 2023-2024 cao nhất tại khu vực phía Nam. Riêng năm 2024, Thành phố có 49 ca Mpox, không có ca tử vong.

100% các ca bệnh Mpox được ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh là nam giới với độ tuổi trung bình là 32 tuổi (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi); độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30 - 39 tuổi (chiếm 46%). Đặc biệt, 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đáng lưu ý có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, hiện nay, dịch bệnh Mpox trên địa bàn Thành phố vẫn đang được kiểm soát thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng. Thành phố chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh. Dòng virus gây bệnh hiện vẫn là clade IIb, là dòng gây dịch phổ biến tại các nước trên thế giới, chưa phát hiện clade Ib (là dòng mới của Mpox). Dịch vẫn lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Về quy trình phòng chống Mpox, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của virus gây bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, Thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh Mpox; rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân phòng dịch Mpox bằng cách che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh; tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm./.

Hồng Giang

Xem thêm