Sức khỏe

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp

TP. Hồ Chí Minh

Thành phố nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, phấn đấu thực hiện việc điều chỉnh tăng mức sinh, góp phần thực hiện thành công chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN

TTXVN - UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, với mục tiêu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2030 đạt trên 1,3%.

Chương trình điều chỉnh mức sinh của Thành phố nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, phấn đấu thực hiện việc điều chỉnh tăng mức sinh nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố.

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,4 con), hướng tới 2030 là 1,6 con; quy mô dân số Thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.

Cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tập trung mọi nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp. Trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh của từng quận, huyện, ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể về việc điều chỉnh tăng mức sinh cho từng giai đoạn cụ thể; rà soát các quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc…

Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi: phát triển hệ thống thông điệp truyền thông, nội dung tuyên truyền vận động “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”; đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi trong hệ thống giáo dục. Thành phố ban hành các chính sách dân số hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh thấp; mở rộng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và các dịch vụ có liên quan.

Nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là mức sinh hiện ở mức rất thấp; quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, tiếp tục tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có thể diễn ra; di cư vẫn diễn ra với cường độ cao; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số...

Thành phố Hồ Chí Minh đang ở trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. Thống kê năm 2021, tổng tỷ suất sinh của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Thành phố là 1,48 con. Từ năm 2000 đến nay, tổng tỷ suất sinh của Thành phố liên tục giảm (năm 2000 là 1,76 so với năm 2021 là 1,48), xuống rất thấp vào năm 2016 là 1,24; xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2013 là 1,68.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số Thành phố trong tương lai. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.../.

Tiến Lực

Tin liên quan

Xem thêm