Thành phố Hồ Chí Minh: Thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội
Nghị quyết 43 của Quốc hội và các chỉ đạo của Trung ương góp phần chỉ đạo, đưa ra quyết sách kịp thời, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đưa kinh tế Thành phố sớm vượt qua khó khăn.
TTXVN - Ngày 22/2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giám sát UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1/10/2021, Thành phố công bố mở cửa, sau thời gian giãn cách phòng, chống COVID-19, bước vào giai đoạn kiểm soát hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025 được Thành phố ban hành cùng ngày với Nghị quyết số 43/2022/QH15. UBND Thành phố quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết 43, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Trung ương vào các văn bản điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 43 của Quốc hội và các chỉ đạo của Trung ương góp phần chỉ đạo, đưa ra quyết sách kịp thời, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đưa kinh tế Thành phố sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung, dài hạn.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, GRDP của Thành phố năm 2022 đạt mức tăng trưởng 9,26%, năm 2023 đạt 5,81%. Năm 2022, Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 315 nghìn lượt người, tạo ra hơn 141 nghìn chỗ làm mới, tỷ lệ thất nghiệp đô thị là 4,2%. Năm 2023, ước giải quyết việc làm cho 305 nghìn lượt người, tạo ra 140 nghìn chỗ làm mới, tỷ lệ thất nghiệp đô thị khoảng 3,9-4%.
Thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, đến nay, có hơn 133 nghìn doanh nghiệp kê khai giảm thuế giá trị gia tăng với số tiền khoảng hơn 39 nghìn tỷ đồng. Quỹ vốn xã viên Hợp tác xã trợ vốn cho các thành viên Hợp tác xã và tổ hợp tác với tổng vốn hơn 3.846 tỷ đồng; giải quyết 1.020/10.120 trường hợp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Năm 2022, có 13 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký 434.280 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, số tiền giải ngân là 545.965,55 tỷ đồng cho 32.073 khách hàng. Tính đến nay có 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng năm 2023 với tổng số tiền đăng ký 453.070 tỷ đồng…
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân trong xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu đoàn giám sát đặc biệt quan tâm, yêu cầu UBND Thành phố làm rõ hơn những vấn đề còn tồn tại như: Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả hơn việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là trong vay cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua…
Kết luận buổi làm việc, thay mặt đoàn giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của UBND Thành phố trong triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội. Những thành tựu kinh tế-xã hội thời quan qua thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố trong triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội nhằm kiểm soát, phòng chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Qua giám sát cho thấy, các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả chính sách tài chính, thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, mở cửa thị trường du lịch… góp phần thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, UBND Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025; có biện pháp khắc phục tồn tại nội tại của nền kinh tế Thành phố để mở thêm động lực mới giúp Thành phố hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đồng thời tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả, tận dụng tối đa nội dung Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, UBND Thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo, bổ sung báo cáo thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 3; nghiên cứu kiến nghị, giải pháp đối với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 43 của Chính phủ chuẩn bị phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới./.