Văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng thương hiệu văn hóa thông qua điện ảnh

TP. Hồ Chí Minh

Cần chú trọng chiến lược phát triển điện ảnh xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh đang được khẳng định trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 12/12, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo”.

Tại đây, các đại biểu, chuyên gia thảo luận về vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa tại Thành phố, chính sách xây dựng thành phố sáng tạo hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng và thách thức trong đầu tư phát triển thiết chế văn hóa… Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu chia sẻ nhiều chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hướng tới xây dựng thành phố sáng tạo từ các quốc gia.

Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thời gian qua, Thành phố đã định hướng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy 8 ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa chủ lực.

Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm. 
Ảnh: TTXVN phát

Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ cho rằng, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, cần có sự liên kết với nhiều ngành, lĩnh vực tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị văn hóa cao; đầu tư về cơ sở thiết chế văn hóa, nguồn nhân lực, lĩnh vực sáng tạo, không gian sáng tạo, thị trường… Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, có chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực văn hóa.

Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, một trong những nguyên tắc chiến lược quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo được các cường quốc về văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa sử dụng là sự tích hợp TAB (Công nghệ - Nghệ thuật - Kinh doanh) và văn hóa hội tụ (Hội tụ công nghệ truyền thông - Văn hóa tam gia - Trí tuệ tập thể). Trong đó, sức mạnh hội tụ được thể hiện qua 4 phương diện liên quan chặt chẽ với nhau, bao gồm: Hội tụ thị trường - Hội tụ hợp tác - Hội tụ sáng tạo - Hội tụ giá trị đảm bảo cho phát triển bền vững.

GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ tại Tọa đàm. 
Ảnh: TTXVN phát

Do đó, việc xác định các ngành công nghiệp văn hóa được ưu tiên phát triển cũng cần dựa trên phân tích cụ thể tiềm năng như: SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức), phân tích PESTEL (quan hệ tương tác với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường, luật pháp) của đất nước và địa phương. “Cần xác định lĩnh vực sáng tạo mà thành phố định hướng phát triển để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Điều này liên quan đến xây dựng thương hiệu nhằm giúp thành phố có độ nhận diện cao và sức cạnh tranh mạnh trong khu vực và trên thế giới”, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh  Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin, để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người, Thành phố cần tập trung nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch thành phố các khu công nghiệp văn hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng, định hướng, phát triển nền điện ảnh thành phố. Các đơn vị liên quan cần vận dụng chủ trương, chính sách và sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương để thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”, trong đó chú trọng chiến lược phát triển điện ảnh xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh đang được khẳng định trong giai đoạn hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng nêu rõ, để trở thành một thành phố sáng tạo về điện ảnh, Thành phố Hồ Chí Minh cần có điểm tựa về tài nguyên văn hóa, nguồn nhân lực và chiến lược đầu tư, hướng đến phát triển điện ảnh bền vững. Điện ảnh sẽ là công cụ quảng bá văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thương hiệu văn hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy sức sáng tạo, khát vọng vươn xa của một thành phố trẻ năng động./.

Phạm Thị Thu Hương

Tin liên quan

Xem thêm