Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Việt Nam không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự...
TTXVN- Ngã ba Đông Dương - vùng đất lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng và là nơi “một tiếng gà gáy, 3 nước đều nghe”. Cột mốc 3 biên nằm ở Ngã ba Đông Dương trên ngọn đồi cao 1.086 mét so với mực nước biển, là nơi phân định ranh giới chủ quyền lãnh thổ ba quốc gia Việt Nam - Lào - Campuchia. Phía Tây Nam khối cột mốc tam diện có 9 cây Bằng lăng tím, phía Đông Bắc là 9 cây Ngọc lan và hướng Tây Bắc, 9 cây hoa Chăm Pa.
Ngắm những cây Bằng lăng tím, Ngọc lan và Chăm pa khỏe khoắn, đang vươn những cành lá xanh tươi chung quanh Cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, chợt nhớ đến chia sẻ của Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kon Tum: “Việc trồng 27 cây hoa này quanh cột mốc 3 biên mang ý nghĩa hết sức đặc biệt”.
Cột mốc ba biên được được khởi công ngày 29/11/2007, khánh thành ngày 18/1/2008, đặt tại đúng vị trí thuộc khu vực Đồn Biên phòng 677, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, tiếp giáp hai tỉnh Attapư của Lào và Rattanakiri của Campuchia. Ở nơi "gà gáy ba nước đều nghe" và mang vị thế địa lý, chính trị hết sức quan trọng, là điểm giao thoa, cầu nối giữa ba nước nên như lời của Đại tá Lê Minh Chính: “Chúng tôi mong muốn chung quanh cột mốc ba biên là những loài hoa đặc trưng cho ba dân tộc”.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã chọn Ngọc lan là loài hoa có hương thơm nồng nàn, mang may mắn đến. Với Lào là hoa Chăm pa. Trong các sự kiện, chương trình lớn của Campuchia đều có sắc tím Bằng lăng.
“Bạn ngỏ ý trồng cây này tại cột mốc ba biên nên ngày 4/11/2018, lực lượng Biên phòng ba nước đã tổ chức trồng 27 cây này để tượng trưng cho tình hữu nghị, gắn bó keo sơn”, Đại tá Lê Minh Chính kể lại.
Song, ý nghĩa những cây Ngọc lan, Bằng lăng tím, Chăm pa chung quanh cột mốc 3 biên không chỉ có vậy. Dù không nói hết nhưng có thể hình dung “thông điệp” sâu thẳm từ những thân cây đang vươn chồi xanh cành biếc, khoe sắc hoa trên mảnh đất bom đạn cày xới năm nào.
Cách đây hơn 45 năm, Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary được các thế lực bên ngoài giúp sức đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Campuchia. Chỉ trong vòng gần 4 năm, Khmer Đỏ đã tàn sát gần 3 triệu người Campuchia, xoá bỏ hầu hết cơ sở vật chất, kinh tế xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm hoạ diệt vong.
Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu chúng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam...
Buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng trước hành động xâm lược của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary và đáp lời kêu gọi từ xứ sở Chùa Tháp: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc”, Việt Nam cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc phản công, tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7/1/1979.
Song song với việc giúp bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Việt Nam cũng giúp bạn xây dựng lại đất nước, chấm dứt chiến tranh, khôi phục lại quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai quốc gia. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương đã thành lập các Đoàn chuyên gia sang Campuchia giúp bạn khôi phục lại đất nước, hồi sinh dân tộc.
Về những ngày tháng đó, lại nhớ chia sẻ của ông Hoàng Xuân Liệu, cựu chuyên gia Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thuộc Đoàn Chuyên gia Chính phủ (A40), trước mắt ông, Thủ đô Phnom Penh vào trưa những ngày tháng 1/1979 không phải là một đô thị phồn thịnh như những năm 1960 mà là vùng đất chết, theo đúng nghĩa đen. Không có sự sống. Không điện, không nước. Phố phường vắng tanh. Cỏ dại mọc um tùm. Gió thổi hun hút. Nhà cửa im lìm. Không một bóng người. Không có cả tiếng chó sủa. Chỉ có tiếng súng đại bác từ phía rừng xa vọng về.
Có ngôi nhà ở Phnom Penh, khi ông Liệu mở cửa nhìn vào trong, thấy còn nguyên mâm cơm. Thức ăn khô cứng, mốc xanh mốc đỏ. Chắc người trong gia đình này chưa kịp ăn, lính Pol Pot xộc đến buộc rời khỏi thành phố hoặc bắt giam, đưa đi hành quyết.
Một hình ảnh ám ảnh suốt cuộc đời ông Hoàng Xuân Liệu là một chiều tản bộ trong Phnom Penh, khi ngồi xuống tảng đá gần công viên, ông di chân vào mô đất gần đó, bật ra những bộ xương đùi, xương sọ người. Cảm nhận của vị chuyên gia này là Phnom Penh lúc đó là thành phố chết, là những hố chôn người tập thể.
Nói về sự kiện bi thảm đối với dân tộc Khmer, nguyên Thủ tướng Hun Sen đã chia sẻ nhiều lần rằng, ông tin Việt Nam vì đây là nước láng giềng đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập. Sau chiến thắng ngày 7/1/1979, nếu như theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pol Pot và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pol Pot quay trở lại được thì sẽ càng nhiều người Campuchia bị giết.
“Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế...”, nguyên Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần nói như vậy và khẳng định: “Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay”.
45 năm đã trôi qua kể từ ngày 7/1/1979. Thời gian cũng là sự khẳng định, sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Campuchia đã khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thuỷ chung, trong sáng giữa hai dân tộc...
Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn, Việt Nam không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; tạo điều kiện để khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu vốn có giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Campuchia.
Một dải biên giới Tây Nam đang thay da đổi thịt. Vết tích ruộng đất bỏ hoang hóa 40 năm trước cũng không còn trên bình nguyên đất đỏ Kon Tum. Không chỉ có lúa, rừng cao su bạt ngàn cùng vườn cà phê, hồ tiêu đã mọc lên rất đỗi hiền hòa. Cách không xa cột mốc ba biên là Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đang khởi sắc.
Đây là một trong tám khu kinh tế trọng điểm của cả nước, mang vị trí rất thuận lợi trong việc giao thương phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu này hiện nay lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm và đang kỳ vọng hướng tới khoảng 1 tỷ USD trong những năm tới.
Cũng như Bờ Y, sự sống đang phát triển hàng ngày, từng giờ trên mảnh đất Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Những ngôi nhà kiên cố đã mọc lên ven những con đường được trải nhựa thẳng tắp. Từng dòng người từ khắp nơi đang đổ về đây giao thương, mua bán đủ các loại hàng hóa, từ nông sản, hải sản… đến đồ gia dụng, lưu niệm.
Những nông dân sản xuất giỏi, những thanh niên lập nghiệp và các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao của đồng bào người Khmer, người Kinh đang góp phần đưa thị trấn này thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ của huyện Tri Tôn.
Cùng sự thay da đổi thịt đang diễn ra trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, sự kế thừa truyền thống giao hảo đoàn kết, hòa bình, hữu nghị giữa những dân tộc anh em trên cùng dãy Trường Sơn, cùng uống nước nguồn từ nhiều con sông chảy từ Tây sang Đông, đang để lại những ấn tượng tốt đẹp.
Điều đó có thể thấy từ những con số trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tốt đẹp với hàng trăm dự án đầu tư giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia. Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 9,54 tỷ USD vào năm 2021 đã tiếp tục bứt phá mạnh, đạt gần 11 tỷ USD vào năm 2022. Năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.
45 năm sau ngày 7/1/1979, những cánh rừng cao su bạt ngàn, những vườn cà phê, hồ tiêu mọc lên rất đỗi êm ả ven con đường trải nhựa thẳng tắp từ huyện Ngọc Hồi vào đến tận làng biên giới Rờ Kơi, tỉnh Kon Tum. Vùng biên cương rền vang tiếng súng năm nào đã bình yên và khởi sắc.
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới./.