Ngành Y tế chủ động kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
TTXVN - Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, thời gian tới, địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra nhiều lễ hội, sự kiện, cùng với đó là các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nước đá và các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay... Những loại thực phẩm này nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh phối hợp liên ngành, cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố. Ngành Y tế tăng cường thanh, kiểm tra, trọng tâm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội, các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực tổ chức lễ hội Xuân lớn. Ngành chủ động kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngành Y tế chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm lĩnh vực y tế tới các đối tượng là người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thực hiện đúng các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngay từ đầu năm 2023, thành phố Hà Nội đã duy trì các hoạt động, mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại 100% phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát. 30/30 quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai của các xã, phường, thị trấn về công tác an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Ngoài ra, thành phố duy trì mô hình "Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học" tại 20 trường Tiểu học tại 10 quận, huyện; tiếp tục xây dựng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học cấp Tiểu học tại 5 quận, 5 huyện theo kế hoạch của Sở Y tế.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục kiện toàn 5 Đội cơ động điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến thành phố; chủ động giám sát an toàn thực phẩm với 49.493 suất ăn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ các hội nghị, sự kiện của Trung ương và thành phố. Ngành Y tế đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện nhiều vi phạm như: Ghi nhãn sản phẩm không đúng; khu vực sản xuất không theo nguyên tắc một chiều, tường trần khu vực sản xuất xuất ẩm mốc, khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại; không tách biệt khu sản xuất, nhà vệ sinh và khu vực phụ trợ liên quan, quảng cáo sản phẩm không đúng quy định.../.