15 năm qua, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng trên 20.200 nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự.
Mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” trong phòng trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần ổn định an ninh trật tự, làm tiền đề phát triển kinh tế, xã hội địa phương; trở thành thiết chế đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở… Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, giai đoạn 2007-2022, do UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 25/10.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng khẳng định: Sau hơn 15 năm thực hiện mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân tham gia, trở thành phong trào rộng lớn, góp phần phòng ngừa, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư. Thông qua mô hình này cũng đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, địa phương, đơn vị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các tôn giáo…
Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cho biết, thông qua mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, nhận thức của nhân dân trong đảm bảo an ninh trật tự được nâng cao. Trong 15 năm qua, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng trên 20.200 nguồn tin có giá trị, giúp điều tra, giải quyết gần 80% vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.
Những nội dung của mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” với 3 mục tiêu là: an toàn về người, an toàn về tài sản, an toàn về địa bàn đã được đưa vào nội dung hương ước của trên 1.960 thôn, xóm và hơn 5.000 nội quy trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; trong đó, nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh trật tự nói chung và bảo vệ an toàn về người, tài sản, địa bàn là trách nhiệm và quyền lợi của mọi công dân. Nội dung về an ninh trật tự trong các hương ước là một yêu cầu bắt buộc của tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành trong tỉnh đã chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, đưa nội dung của mô hình này vào tiêu chí xây dựng các mô hình trong vùng đồng bào có đạo như: “Xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội… Nhờ những cách làm linh hoạt, phù hợp, đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 92% giáo xứ, giáo họ, 2/2 Hội thánh đạt “An toàn về an ninh trật tự”, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh tôn giáo…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, thời gian tới, các cơ quan, địa phương, đơn vị củng cố, duy trì, đẩy mạnh mô hình theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải”. Các cơ quan, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về an ninh trật tự; nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Công an đã tặng Bằng khen 5 tập thể, 3 cá nhân của tỉnh Nam Định; UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen 7 tập thể, 7 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh Nam Định tặng Giấy khen 8 tập thể, 30 cá nhân, có thành tích trong thực hiện mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giai đoạn 2007-2022./.
- Từ khóa:
- an ninh trật tự ở cơ sở
- Nam Định