Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: 5 nhiệm vụ phát huy nguồn lực kiều bào phát triển đất nước
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước ta giàu, mạnh.
TTXVN - Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới" (Quyết định số 1334/QĐ-TTg), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trả lời phỏng vấn TTXVN nhằm đánh giá khái quát nguồn lực của kiều bào; đồng thời nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy nguồn lực to lớn này để phát triển đất nước trong tình hình mới.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng đánh giá khái quát vai trò của nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong phục vụ phát triển đất nước thời gian qua?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước ta giàu, mạnh. Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 5%/năm), độ bao phủ rộng (kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển). Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, mà ngày càng khẳng định vị thế, có đóng góp nhất định đối với nước sở tại cũng như vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước con người, văn hóa Việt Nam.
Bốn lĩnh vực chính mà ta có thể phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương.
Trước tiên, đó là nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% trong cộng đồng gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600 nghìn người. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng...
Lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước với kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài. Khi trở về, đa phần người lao động có việc làm ổn định. Một số có khả năng thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng vốn tích lũy sau nhiều năm ở nước ngoài.
Về nguồn lực kinh tế, doanh nhân người Việt đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới, hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…
Theo thống kê gần đây, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn đầu tư của kiều bào về nước theo các hình thức gián tiếp khác hoặc theo hình thức đầu tư trong nước. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.
Thêm vào đó, lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Kiều hối gửi về trong nước tăng ổn định hàng năm, kể cả trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19. Việt Nam nhiều năm liền năm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Đối với nguồn lực "mềm", kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau (nghị sỹ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố…) như ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, New Zealand, Australia… Số người Việt Nam/gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài là trưởng đại diện hoặc điều hành các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ, từ thiện nhân đạo ở trong nước, đóng góp vào giảm nghèo, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước.
Dù quan điểm, thái độ chính trị khác nhau, nhưng tinh thần hướng về đất nước của cộng đồng thể hiện rõ ở mong muốn góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước. Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, Câu lạc bộ Trường Sa được thành lập ở nhiều nơi như Hàn Quốc, Đức, Hungary, Ba Lan... Các đoàn kiều bào tiêu biểu đi thăm Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hàng năm, kể từ năm 2012, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng đặc biệt của cộng đồng.
Kiều bào ngày càng phát huy vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam; có đóng góp quan trọng trong kết nối, tăng cường quan hệ đối ngoại, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Về nguồn lực từ thiện, nhân đạo, từ nhiều năm nay, người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo do trong nước phát động. Nhiều đoàn, dự án thiện nguyện do người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, đi tới những vùng miền của Tổ quốc để trực tiếp hỗ trợ, trao quà tặng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào gặp khó khăn, đóng góp quan trọng vào thành tựu xóa đói giảm nghèo của đất nước gần 40 năm đổi mới; kịp thời vận động quyên góp, hỗ trợ khi xảy ra thiên tai. Trong đại dịch COVID-19, người Việt Nam ở nước ngoài, dù gặp khó khăn vẫn đồng hành, chia sẻ bằng vật chất, tinh thần và đóng góp ý kiến tâm huyết để tham mưu với Chính phủ và nhân dân trong nước trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Phóng viên: Thứ trưởng có thể chia sẻ về ý nghĩa của việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg trong bối cảnh hiện nay?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Đây là Đề án có ý nghĩa tổng thể, huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Trước hết, Đề án tăng cường thống nhất nhận thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực ngày càng quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, từ đó xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang tính tổng thể, cơ bản, dài lâu nhằm vừa nuôi dưỡng, chăm lo, vừa thu hút và phát huy tối đa nguồn lực này.
Thứ hai, Đề án xác định rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phát huy nguồn lực kiều bào; thiết lập cơ chế triển khai, phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và trên phạm vi toàn quốc, trong và ngoài nước với các nhiệm vụ chính. Đó là, tạo môi trường thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó và đóng góp cho đất nước. Rà soát tổng thể, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hướng tới việc người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học - công nghệ, văn hóa… Đồng thời, tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng.
Về lâu dài, Đề án sẽ góp phần củng cố mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới, bồi dưỡng và phát triển nguồn lực của cộng đồng này, đảm bảo sự phát triển của nguồn lực, có thể phát huy trong dài hạn với các nhiệm vụ cụ thể. Đó là, đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm chăm lo, hỗ trợ cộng đồng có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn; thành lập mới, củng cố mạng lưới các tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài với các hình thức đa dạng, làm nòng cốt trong tập hợp, vận động kiều bào đoàn kết, xây dựng cộng đồng và hướng về đất nước. Phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, có ảnh hưởng trong cộng đồng và trong quan hệ của Việt Nam với nước sở tại. Tăng cường các hoạt động vận động thế hệ kiều bào trẻ để nâng cao nhận thức về cội nguồn, truyền thống lịch sử, văn hóa, qua đó nuôi dưỡng, tăng cường tình cảm gắn bó với quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý thức đóng góp xây dựng đất nước.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những nhiệm vụ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới nhằm cụ thể hóa, triển khai 3 nhóm giải pháp đã đề ra trong Quyết định số 1334/QĐ-TTg?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định: "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân". Trên tinh thần đó, Đề án đã xác định rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Về phía Bộ Ngoại giao, bên cạnh việc là đầu mối theo dõi, điều phối, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính.
Thứ nhất là đẩy mạnh công tác hỗ trợ và vận động cộng đồng, phát hiện nhân tố mới, thúc đẩy kết nối, hỗ trợ hình thành, củng cố và phát triển các hội đoàn, mạng lưới trí thức, doanh nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước; tăng cường vận động chính quyền, cơ quan tổ chức các nước đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi để tăng vị thế của cộng đồng, các tổ chức hội đoàn của người Việt ở sở tại.
Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, tổng hợp thông tin về tình hình các nguồn lực kiều bào; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong việc kết nối, thu hút các nguồn lực của kiều bào; phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức chương trình dành cho kiều bào như: Xuân Quê hương, Trại hè thanh thiếu niên, tập huấn, bồi dưỡng tiếng Việt, các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp, hoạt động từ thiện... hàng năm.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động nhằm cập nhật thông tin về tình hình đất nước, chính sách pháp luật; kết hợp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của kiều bào; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, sản xuất, kinh doanh...
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, triển khai các đề án về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, gồm Đề án Cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài, Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024", Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030".
Thứ năm, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác vận động cộng đồng và thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!/.