Thừa Thiên – Huế không chỉ là miền đất di sản mà đang thể hiện khát vọng vươn mình phát triển về kinh tế - xã hội, khai thác các tiềm năng lợi thế riêng có.
TTXVN - Hòa chung với sắc Xuân đang về trên khắp mọi miền của Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế bước vào năm mới Quý Mão 2023 với một tâm thế và quyết tâm mới để hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố trực thuộc Trung ương, với định hướng là một đô thị di sản và đô thị hướng biển.
Tối 21/1 (30 Tết), tiết trời se lạnh, tạnh ráo thuận lợi cho người dân thành phố Huế đổ về khu vực trung tâm đề chờ đợi khoảnh khắc tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới… Dọc hai bờ sông Hương, các tiểu cảnh trang trí gắn với hình tượng linh vật của năm Quý Mão để phục vụ người dân và du khách du Xuân vào những ngày đầu năm mới đã hoàn tất. Cả thành phố Huế như khoác lên mình một diện mạo mới.
Vào thời khắc Giao thừa, đón chào năm mới Quý Mão 2023, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại 3 địa điểm, trong đó thành phố Huế bắn 1.000 quả pháo hoa; huyện Phong Điền 500 quả và huyện Phú Lộc 500 quả. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp phía trên Cột cờ Kinh thành Huế trong chương trình văn nghệ chào năm năm mới.
Ông Nguyễn Thanh Hòa (ở phường Phú Nhuận, thành phố Huế) chia sẻ, trước thềm bước sang năm mới, người dân Cố đô rất tự hào và kỳ vọng vào sự đổi thay đi lên mạnh mẽ của quê hương. Thừa Thiên – Huế không chỉ là miền đất di sản mà đang thể hiện khát vọng vươn mình phát triển về kinh tế - xã hội, khai thác các tiềm năng lợi thế riêng có để cùng với cả nước hướng đến những mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Năm 2023, đồ án Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trước khi trình Chính phủ xem xét thông qua, tạo tiền đề, nền tảng cho quá trình phát triển thời gian tới của địa phương. Về phương án mô hình thành lập các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra hai phương án: phương án một gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện; phương án hai gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Kết quả khảo sát bước đầu, đa phần ý kiến đề xuất tên gọi của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai là thành phố Huế.
Giáo sư, Tiến sĩ Cao Ngọc Thành (Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế), người vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2022 cho biết: Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, Huế đã từng là đô thị cấp quốc gia và của khu vực, gắn với các thành phố lớn trong trục xuyên quốc gia như Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đến thời điểm hiện tại, Huế đã và đang thể hiện vai trò là trung tâm văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Việc xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nếu chỉ có mong muốn hay quyết tâm thôi thì chưa đủ mà cần có những bước hành động căn cơ, bài bản, khoa học, thậm chí cả táo bạo, đột phá để huy động tối đa các nguồn lực để hiện thực hoá mục tiêu này.
Nhiều chuyên gia về quy hoạch cho rằng, tầm nhìn về thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai của Thừa Thiên – Huế không chỉ là một đô thị di sản ven sông Hương mà phải mở rộng là đô thị hướng biển với lợi thế khu đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á và cảng nước sâu Chân Mây nằm trong khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Qua đó, hình thành lên những đô thị vệ tinh hiện đại gắn với các khu công nghiệp, tạo cho Thừa Thiên - Huế những động lực phát triển mới, mở rộng quy mô nền kinh tế, tăng thu ngân sách, nâng cao mức thu nhập cho người dân, xứng đáng với vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhìn lại năm 2022, Thừa Thiên - Huế thực hiện đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội; thu ngân sách đạt hơn 12.700 tỷ đồng, vượt dự toán. Kinh tế địa phương phục hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,56%. Ngành Du lịch tỉnh duy trì với đà phục hồi tốt. Tổng lượt khách du lịch ước đạt hơn 2 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2022, nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã được tỉnh khởi công, góp phần nâng cấp hệ thống giao thông của tỉnh hướng đến hiện đại, đồng bộ như: Dự án cầu Thuận An và đường ven biển, Dự án cầu bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng. Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi ngang qua tỉnh cũng vừa được khánh thành, đưa vào khai thác.
Cùng với đó, Dự án Nhà ga hành khách T2, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào quý I/2023… Trong lĩnh vực sản xuất, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi công khu công nghiệp Gilimex thuộc Khu Công nghiệp Phú Bài, có quy mô hơn 460 ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. Dự án khi hoàn thành sẽ thu hút từ 20.000-30.000 lao động, tạo động lực phát triển vùng công nghiệp phía Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn tới.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm năm mới, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho biết, năm 2023 là năm tăng tốc để tỉnh thực hiện các tiêu chí, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 như Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trong quá trình thực hiện, đến nay đã có nhiều thuận lợi, nhiều tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế... đã tiệm cận với quy định. Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của địa phương, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị; Nghị quyết 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đây là điều kiện hết sức cơ bản, thuận lợi để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2023, Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; phát triển đô thị thông minh và bền vững. Đồng thời, địa phương sẽ huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử.
Tỉnh đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường trong năm 2023; trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9-10%, thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên… Địa phương xác định 6 chương trình trọng điểm thực hiện gồm: chương trình phát triển đô thị; chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với tầm nhìn phát triển đã được định hình cùng với các chương trình hành động cụ thể, hy vọng Thừa Thiên – Huế sẽ gặt hái được những kết quả đột phá trong năm bản lề 2023 để hoàn thiện các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương./.
- Từ khóa:
- Tết
- Thừa Thiên Huế