Ngày 16/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khai mạc Kỳ họp lần thứ 8, nhiệm kỳ 2021-2026 để thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Ngày 16/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khai mạc Kỳ họp lần thứ 8, nhiệm kỳ 2021-2026 để thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Đồng bộ các giải pháp phát triển ngành Du lịch
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 6 tháng đầu năm 2024, ngành Du lịch tiếp tục là điểm sáng khi doanh thu từ du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Những tháng còn lại năm 2024, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phấn đấu đón 4 triệu lượt khách.
Theo đó, Thừa Thiên - Huế chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức thành công các hoạt động lễ hội trong khuôn khổ Chương trình Festival Huế, trọng tâm là lễ hội “Huế vào Thu” và “Mùa Đông xứ Huế”; Hội nghị đối thoại, xúc tiến du lịch năm 2024; xây dựng Kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên - Huế (26/3/1975 - 26/3/2025). Tỉnh tập trung xúc tiến các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế tiếp tục đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch; tăng cường giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số. Địa phương đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch...
Những tháng cuối năm 2024, một số dự án dự kiến đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ ngành Du lịch phát triển như: Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (giai đoạn 1 sân golf 18 lỗ); Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế có quy mô lớn nhất miền Trung.
Hoàn thiện quy định liên quan đến phòng, chống ma túy
Tại Kỳ họp, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh đã trình bày Báo cáo Giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 - 2023 và đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng.
Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian qua cơ bản được kiềm chế, không để hình thành điểm, tụ điểm phức tạp cũng như đường dây, băng nhóm phạm tội ma túy lớn. Tuy nhiên, tệ nạn và tội phạm ma túy vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; số vụ, số đối tượng bị bắt, xử lý hình sự, số tang vật thu giữ ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Các đối tượng sử dụng ma túy có xu hướng chuyển dần sang sử dụng ma túy tổng hợp.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 155 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy ngay tại cơ sở. Đến cuối tháng 12/2023, có 867 người sử dụng trái phép chất ma túy, 497 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Số đang cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là 167 người, đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là 254 người…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Ái Vân, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy được ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên, một số quy định pháp luật còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn và tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện như các quán bar, khách sạn... có lúc còn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy.
Đặc biệt, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa đáp ứng được so với nhu cầu cai nghiện hiện nay tại địa phương, không đủ điều kiện tiếp nhận, điều trị cho người nghiện ma túy bị nhiễm HIV cũng như nhu cầu văn hóa, giải trí của người cai nghiện theo quy định...
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Trong đó, các bộ, ngành xem xét bổ sung thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng về xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ để bổ sung các danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy mới. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy đá và các loại ma túy tống hợp khác. Các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thuốc lá thế hệ mới nhằm kiểm soát việc tẩm ướp, phối trộn, sử dụng trái phép ma túy.../.