Thừa Thiên - Huế: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng
Liên quan đến vấn đề vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh, qua đó giúp xác định nguồn gốc sử dụng đất ngay từ bước nghiên cứu dự án.
TTXVN - Ngày 14/7, phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, vấn đề nóng mà xã hội, cử tri toàn tỉnh quan tâm. Trong đó nổi bật là vấn đề cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, tạo tiền đề để giải quyết “nút thắt” về công tác giải tỏa, đền bù, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Vui, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư ở nhiều địa phương của tỉnh diễn ra chậm, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền cơ sở. Cụ thể, có 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thời gian dài nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có được mặt bằng sạch, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh.
Liên quan đến vấn đề vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh, qua đó giúp xác định nguồn gốc sử dụng đất ngay từ bước nghiên cứu dự án.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Bá Phúc cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh đã đưa vào vận hành, thực hiện việc chia sẻ thông tin đến các đơn vị liên quan và chính quyền cấp huyện nơi thực hiện dự án bao gồm bản đồ địa chính, danh sách các chủ quản lý, sử dụng đất... Thời gian cung cấp thông tin dưới 10 hecta không quá 5 ngày, dưới 50 hecta là 10 ngày làm việc, trên 50 hecta không quá 15 ngày làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn 48% thửa đất chưa được kê khai đăng ký theo quy định vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, ảnh hưởng đến việc xác định nguồn gốc đất, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Lý do người sử dụng đất đang có tranh chấp, đất được giao trái thẩm quyền, đất tự khai hoang sau thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phù hợp quy hoạch, đất lâm nghiệp bàn giao cho địa phương nhưng chưa bàn giao cho các hộ gia đình cá nhân…
Theo ông Lê Bá Phúc, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đẩy mạnh việc kê khai đăng ký thông tin theo quy định đến từng thửa đất để làm giàu cơ sở dữ liệu địa chính, tiến tới áp dụng theo hình thức bắt buộc; thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức đồng loạt, dứt điểm từng khu vực thay vì tưng hộ gia đình phải đi làm riêng lẻ. Đặc biệt, việc cung cấp thông tin dữ liệu đất đai, nguồn gốc đất cho nhà đầu tư sẽ được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu quy hoạch thay vì đến bước chuẩn bị đầu tư dự án như hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, liên quan đến vấn đề trên lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch trong công tác kêu gọi đầu tư. Đồng thời, giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến đất đai đối với các dự án ngoài ngân sách, đặc biệt trong công tác giao đất, cho thuê đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở thương mại, dự án du lịch, dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Kết thúc kỳ họp thứ 6, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo./.