Các đại biểu đề cập đến những giải pháp để doanh nghiệp vừa có thể tận dụng lợi thế của trí tuệ nhân tạo để tối ưu quá trình vận hành, đưa ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu, đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo vào tự động hóa để thúc đẩy chuyển đổi số.
TTXVN - Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về cách mạng công nghiệp lần thứ tư - năm 2023, ngày 14/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội trao đổi, thảo luận về những vấn đề đã và đang đặt ra trong việc ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo. Hội thảo góp phần thiết thực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nằm trong top 4 của khu vực ASEAN, trong top 50 của thế giới.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Dương Duy Hưng ( Ban Kinh tế Trung ương) khẳng định, việc thích ứng và hành động một cách chủ động, kịp thời, có chiến lược trong thời đại công nghệ và hội nhập quốc tế hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài đối với các quốc gia. Quá trình đó đòi hỏi sự thích ứng, điều chỉnh một cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia và từng nền kinh tế.
Trên thế giới, các chính phủ, các tập đoàn, các viện nghiên cứu và trường đại học đang dành sự quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều cho trí tuệ nhân tạo vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định trí tuệ nhân tạo là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng ta đã xem xét, thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng thời làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Theo đó, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với việc coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Dương Duy Hưng, Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua, như cần phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng, kết nối hạ tầng dữ liệu và tính toán; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; hoàn thiện thể chế, chính sách; huy động và thu hút nguồn lực đa dạng vào phát triển trí tuệ nhân tạo... Những tồn tại, hạn chế này cần có sự chung tay, tập trung giải quyết, tháo gỡ từ nhiều phía, nhất là những nút thắt trong thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ toàn cảnh về công nghệ trí tuệ nhân tạo, tập trung xoay quanh một số vấn đề như: Thực trạng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, xu hướng hiện nay và những nguy cơ trong việc phát triển, ứng dụng; những ngành nghề mũi nhọn, tiềm năng để các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi đúng hướng trong nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều mô hình kinh doanh mới trong tương lai.
Các đại biểu cũng đề cập đến những giải pháp để doanh nghiệp vừa có thể tận dụng lợi thế của trí tuệ nhân tạo để tối ưu quá trình vận hành, đưa ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu, đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo vào tự động hóa để thúc đẩy chuyển đổi số mà vẫn đảm bảo an toàn; kiến nghị để đẩy nhanh quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam.
Ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều được Ban Tổ chức tổng hợp để đưa ra những đề xuất nhằm góp phần nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chủ động hơn trong quá trình tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.