Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào quản lý mà còn là một cuộc cách mạng trong tư duy, cách thức hoạt động của hệ thống y tế.
Chiều 15/4, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số ngành Y tế, ứng dụng EMR (hồ sơ bệnh án điện tử) và IoMT trong mô hình biện viện thông minh.
Tại Hội thảo, ông Phạm Huy Hoàng, Tổng giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT cho biết: Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào quản lý mà còn là một cuộc cách mạng trong tư duy, cách thức hoạt động của hệ thống y tế. Việc ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử (EMR), trí tuệ nhân tạo AI và các thiết bị IoMT sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn và tiện lợi hơn cho người bệnh. Bên cạnh đó, đây cũng là phương hướng quan trọng để tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm thiểu chi phí và mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác khám chữa bệnh, định biên nguồn lực y tế, định hướng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu dựa trên dòng chảy dữ liệu từ các thông tin đầu vào như EMR, các thiết bị IoMT… được đưa lên hệ thống phân tích phục vụ chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, các yếu tố dữ liệu phải được đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình thu thập nhằm đảm bảo thông tin có yếu tố xác thực.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực số, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ để xây dựng hệ sinh thái y tế số đồng bộ, hiệu quả. Thời gian vừa qua, Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số và đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử tại 3 Bệnh viện tuyến tỉnh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Bệnh viện Sản - Nhi. Đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản lý, khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân.
Ngành Y tế Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai hoàn thành bệnh án điện tử tại 2 Trung tâm Y tế tuyến huyện là Trung tâm Y tế huyện Tam Dương và Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát và yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh còn lại trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử trước ngày 31/8/2025, sớm hơn một tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nêu trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025.
Tại Hội thảo, các địa biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận đinh hướng về đột phá triển khai khoa học công nghệ trong Chuyển đổi số ngành Y tế năm 2025 đến 2030; các giải pháp tổng thể chuyển đổi số ngành Y tế và mô hình Trung tâm điều hành thông minh dựa trên dòng chảy dữ liệu của ngành Y tế; ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ra quyết định trong chuẩn đoán, điều trị, phòng bệnh và cải cách hành chính y tế; ứng dụng IoMT trong theo dõi và chăm sóc sức khỏe người dân.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai, công bố bệnh án điện tử (EMR), đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện, Bệnh viện đã triển khai thành công 100% kết nối liên thông giữa Hệ thống thông tin Bệnh viện với Hệ thống giám định Bảo hiểm xã hội, tự động liên thông 100% đơn thuốc ngoại trú lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia; có hơn 144.300 lượt bệnh nhân đăng kí khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, hơn 108.380 lượt đăng kí khám chữa bệnh trực tuyến. Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS) tại bệnh viện đạt mức độ 7; hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa (PACS) được nâng cao, xử lý hình ảnh 2D, 3D, 4D; hệ thống thông tin phòng thí nghiệm (LIS) được nâng cao giúp lưu trữ và quản lý các dữ liệu liên quan đến quy trình xét nghiệm trong khám chữa bệnh.
Từ những kinh nghiệm đã đạt được, Bệnh viện Bưu điện cho biết: Triển khai bệnh án điện tử (EMR) đã giúp giảm bớt các bước trong khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí, thời gian... của bác sĩ, người bệnh. Bệnh án điện tử được kết nối với các phần mềm như HIS, RIS - PACS, LIS, do đó tất cả các kết quả khám chữa bệnh, xét nghiệm,... đều được đẩy lên phần mềm bệnh án điện tử, đảm bảo an toàn thông tin. Đối với điều dưỡng rút ngắn thời gian sắp xếp, bảo quản, ghi chép hồ sơ bệnh án qua đó có nhiều thời gian tập trung chăm sóc cho người bệnh. Đối với bác sĩ, tất cả thông tin diễn biến bệnh, phương pháp điều trị, các kết quả xét nghiệm đều được lưu trên bệnh án điện tử. Do vậy, rất thuận tiện trong công tác khám chữa bệnh do không cần sử dụng hồ sơ bệnh án giấy. Người bệnh cũng thuận tiện khi đặt trước lịch khám bệnh trên Vncare, nhận kết quả xét nghiệm qua tin nhắn sms. Tỷ lệ thanh toán viện không tiền mặt của Bệnh viện Bưu điện đạt hơn 70%.
Cũng tại hội thảo, Công ty công nghệ thông tin VNPT đã đưa ra nhiều công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đưa ra quyết định trong chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh và cải cách hành chính y tế tại các cơ sở y tế như trợ lý AI hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh; trợ lý GenAI chăm sóc sức khỏe người dân; trợ lý AI phân tích và đánh giá chất lượng tư vấn khách hàng…/.