Du lịch

Thúc đẩy giải pháp thu hút nguồn lực cho du lịch Phú Quốc phát triển bền vững

Kiên Giang

Nhiều giải pháp chính sách được các chuyên gia, cơ quan quản lý ở địa phương thảo luận, đề xuất tại Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Hội thảo khoa học “Giải pháp thu hút đầu tư và phát triển bền vững du lịch thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang” diễn ra ngày 27/9. Sự kiện do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc và Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết, ngày 1/1/2021, Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Từ khi có “tấm áo mới” Phú Quốc thu hút nhiều nguồn lực đầu tư lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và ngành du lịch biển nói riêng.

Với ưu đãi của thiên nhiên, một hệ sinh thái du lịch đa dạng cùng hệ thống các tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, nhiều điểm danh thắng lịch sử, văn hóa giúp Phú Quốc trở thành điểm đến thu hút đầu tư, tham quan nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, bên cạnh kết quả đạt được, Phú Quốc phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Việc đầu tư quá ồ ạt và thiếu quy hoạch khiến Phú Quốc mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Cảnh quan thiên nhiên dần mất đi và thay vào đó là những tác động tiêu cực của con người.

Mặt khác, nhận thức về phát triển du lịch của một bộ phận dân cư địa phương còn hạn chế, sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế; nguồn nhân lực du lịch và hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu phát triển..., ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững du lịch tại thành phố đảo Phú Quốc. Bên cạnh đó, với sự ảnh hưởng và biến đổi của tình hình thế giới trong bối cảnh mới hiện nay một lần nữa cho thấy những rủi ro, thách thức cho sự phát triển bền vững du lịch Phú Quốc.

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho biết, để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, những năm qua, thành phố được Trung ương, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm trên đảo. Từ đó một số công trình, dự án lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc (dự án của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV), Dự án Điện cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, Dự án đường dây tải điện 220kV Kiên Bình - Phú Quốc, đường trục chính Nam - Bắc đảo Phú Quốc (dài 51,5 km), đường vòng quanh đảo Phú Quốc (dài 99,5 km)...

Theo ông Phạm Văn Nghiệp, hiện nay, Phú Quốc tiếp tục triển khai các dự án như: Dự án Cảng Hàng khách quốc tế Dương Đông, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2, một số tuyến đường nhánh và đường trục trung tâm giai đoạn 3 trong Khu du lịch phức hợp Bãi Trường… Đồng thời đang phối hợp chuẩn bị thủ tục đầu tư triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải thứ hai, Dự án hồ nước Cửa Cạn, nâng cấp Cảng du lịch Bãi Vòng, đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc, đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc, Quảng trường - tượng đài Bác Hồ...

Đặc biệt, ngày 30/3/2021 tại Quyết định 486/QĐ-TTg, Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khoảng 674,53 ha, trong đó được bổ sung 3,55 ha đất mặt nước bố trí tổ hợp công trình giải trí với khán đài kết hợp đường dẫn và sàn cảnh quan trên biển, ở khu vực gần ga đi cáp treo; thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh quy mô 101 ha.

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Dự án Khu phi thuế quan Phú Quốc được tỉnh Kiên Giang xác định là dự án trọng điểm, có quy mô lớn, góp phần tạo nên sản phẩm độc đáo cho Việt Nam và khu vực. Khi hoàn thành, Khu phi thuế quan được kỳ vọng tăng thêm dịch vụ du lịch cho Phú Quốc, kết hợp nghỉ dưỡng, giải trí và mua sắm hàng hóa giá trị cao.

Từ các nghiên cứu liên quan đến thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian qua, Tiến sỹ Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ở các tỉnh lân cận trong thu hút FDI cho thấy chiến lược phát triển quốc gia cần thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh lân cận và nên hướng tới phát triển các trung tâm đào tạo nhân lực cấp vùng chứ không phải cấp tỉnh. Vì vậy, Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng chú ý đến mối quan hệ với các địa phương lân cận trong thúc đẩy thu hút FDI, cần có tiếp cận tầm vùng trong chính sách thu hút FDI. Sự tập trung lượng vốn FDI của các tỉnh lân cận sẽ là thành công trong tương lai của tỉnh Kiên Giang.

Theo Tiến sỹ Hoàng Hồng Hiệp, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích trọng điểm vào các ngành nghề địa phương, vùng có lợi thế so sánh. Từ đó đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI, vốn tư nhân có chất lượng vào ngành kinh tế gắn với khai thác lợi thế so sánh đặc thù của địa phương, vùng...

Về nguồn nhân lực, Kiên Giang cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Đặc biệt, đội ngũ lao động kỹ thuật này phải đáp ứng yêu cầu tuyển dụng khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, cơ quan quản lý ở địa phương thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp chính sách như: Cần hoàn thiện tốt quy hoạch tổng thể, tích hợp sớm nhất; tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học đảm bảo tính chiến lược, lâu dài và bền vững; tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển có chiều sâu, đặc biệt cần chú ý tính bản sắc, khai thác tối đa giá trị văn hóa, truyền thống tạo sự khác biệt của Phú Quốc từ đó tạo ra sự khác biệt, tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch biển Phú Quốc. Đặc biệt đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững, trong đó tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty tổ chức sản phẩm du lịch xanh, chương trình du lịch chuyên đề với mục tiêu kết hợp du lịch biển và hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo các đại biểu, Phú Quốc cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản trị đối với mô hình thành phố đảo. Thành phố tăng cường hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển bền vững du lịch biển, trong đó xây dựng sản phẩm tuyên truyền và giới thiệu du lịch biển Phú Quốc như: Ấn phẩm giới thiệu về bãi biển, khu bảo tồn thiên nhiên biển, chương trình du lịch; tăng cường cuốn hút sự kiện quốc tế, thu hút nhân vật nổi tiếng... tạo sự chú ý và biết đến của Phú Quốc, từ đó phát sinh nhu cầu dịch vụ du lịch tại đây./.


Lê Huy Hải - Anh Tuấn

Xem thêm