Hội nhập

Thúc đẩy ngoại giao công chúng, góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy ngoại giao công chúng, hướng tới người dân, góp phần tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu “Củng cố và tăng cường ngoại giao công chúng hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hàn Quốc” ngày 27/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”.

Chủ nhiệm dự án, Tiến sỹ Tống Thùy Linh chia sẻ về ngoại giao công chúng của Việt Nam (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Tại Hội thảo, Chủ nhiệm dự án, Tiến sỹ Tống Thùy Linh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho rằng: Về nội hàm, ngoại giao công chúng của Việt Nam có thể bao gồm hai thành tố chính là thông tin đối ngoại và văn hóa đối ngoại, tạo ra các phương thức để giao tiếp và tác động đối với công chúng cũng như các chủ thể phi nhà nước của các quốc gia khác, truyền tải thông điệp, các giá trị và xây dựng hình ảnh quốc gia của Việt Nam theo hướng tích cực nhằm triển khai các mục tiêu đối ngoại và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, ngoại giao công chúng của Việt Nam cần xác định được thông điệp quốc gia, các giá trị cần được tôn vinh, đồng thời định vị được hình ảnh quốc gia, cũng như xác định các công cụ, phương thức truyền tải, tiếp cận với công chúng bên ngoài, trong đó có công cụ truyền thông báo chí và công cụ trong các lĩnh vực khác như: văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao...

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy ngoại giao công chúng, hướng tới người dân, góp phần tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Tiến sỹ Hoàng Minh Hằng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho biết, trước năm 2010, Hàn Quốc chủ yếu thực hiện ngoại giao văn hóa thông qua làn sóng Hallyu (Hàn lưu). Hàn Quốc đã triển khai ngoại giao công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau, song ngoại giao công chúng thường bị “đánh đồng” với ngoại giao văn hóa. Đến năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc chính thức đưa ra khái niệm ngoại giao công chúng và một năm sau đó, lần đầu tiên Hàn Quốc bổ nhiệm Đại sứ ngoại giao công chúng. Vì vậy, ngoại giao công chúng được nâng cấp và trở thành một trong ba trụ cột ngoại giao, cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị.

Quyết tâm nâng tầm ngoại giao công chúng của Chính phủ Hàn Quốc là một trong những nhân tố dẫn tới sự ra đời của Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, do sự chồng chéo, trùng lặp trong các vấn đề của ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa, cùng với sự thiếu hụt một cơ quan điều phối hoạt động tổng thể, nên việc ban hành Luật Ngoại giao công chúng trở nên thật sự cần thiết. Ngày 3/2/2016, Luật Ngoại giao công chúng được ban hành ở Hàn Quốc và chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2016. 

“Tính tới nay, Luật Ngoại giao công chúng của Hàn Quốc đã được thực thi 7 năm với mục đích góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế thông qua việc thiết lập nền tảng, cung cấp những hướng dẫn cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động ngoại giao công chúng”, Tiến sỹ Hoàng Minh Hằng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ, trao đổi về phân biệt giữa khái niệm ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng; Luật ngoại giao công chúng Hàn Quốc và những vấn đề thực tiễn; ngoại giao công chúng - cách tiếp cận từ phía Việt Nam... Từ thực tiễn triển khai Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc, các đại biểu đề xuất một số kinh nghiệm: Xây dựng và thiết lập khuôn khổ pháp lý về ngoại giao công chúng; nghiên cứu tìm hiểu cơ sở pháp lý liên quan tới ngoại giao công chúng, cũng như thực tế triển khai luật này ở Hàn Quốc./.

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm