Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam cần ban hành quy hoạch hạ tầng số quốc gia, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng số đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, xanh, bền vững.
TTXVN - Chiều 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Báo cáo về kết quả chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.
Năm 2022 - 2023, theo Báo cáo thường niên kinh tế số e-Connomy SEA do Google, Temasek, Bain & Company công bố, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực của Việt Nam so với 2022 đạt được kết quả ấn tượng: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, đưa nước ta trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng 11%...
Kết quả về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho thấy: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được đẩy mạnh. Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật; công khai hơn 15.700 quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính (khoảng 49%) để thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư...
* Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng số
Liên quan đến việc thực hiện Năm Dữ liệu số quốc gia, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, cơ quan nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu quốc gia. Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục cơ sở dữ liệu đạt 64%. Số cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 lên 2.087 cơ sở dữ liệu. Việc công bố kế hoạch, danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên 52% so với năm 2022. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một bộ tiêu chí đánh giá cụ thể về mức độ phát triển dữ liệu của cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cập nhật, bổ sung đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển dữ liệu của cơ quan nhà nước trong bộ chỉ số chuyển đổi số quốc gia.
Giai đoạn 2021- 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433/2.853 vùng lõm sóng. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 620 thôn lõm sóng; trong đó có 502 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, 118 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, bao gồm các thôn vẫn chưa có điện lưới. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15 - 30% so với năm 2022.
Việt Nam có 13 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 45 trung tâm dữ liệu với tổng số gần 28.000 racks (dùng để đặt máy chủ, các thiết bị mạng). Năm 2023, có thêm 2 trung tâm dữ liệu quy mô lớn của VNPT và CMC. 2023 cũng là năm khởi động Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Dự kiến mỗi năm, Việt Nam sẽ cần thêm 10.000 - 12.000 racks. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam cần ban hành quy hoạch hạ tầng số quốc gia, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng số đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, xanh, bền vững.
Việt Nam hiện có 1,5 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số. Nước ta cũng có 168 trường đại học, 520 trường nghề đào tạo về ICT. Hàng năm, trên 84.000 sinh viên, học sinh tốt nghiệp các hệ đại học, cao đẳng, trung cấp; tổng số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 100.000. Theo dự báo tại Việt Nam, một số vị trí việc làm có nhu cầu tuyển dụng ngày một cao, thị trường chưa đáp ứng được như: Kỹ sư dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây.
Chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã xác định triển khai các nền tảng số là giải pháp để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chương trình phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia, gồm 38 nền tảng (8 cho Chính phủ số; 12 cho kinh tế số; 11 cho xã hội số, 7 nền tảng đa mục tiêu). Mỗi một nền tảng số do một bộ, ngành chủ trì. Tới nay, 8 nền tảng số quốc gia đã được đánh giá, công bố, với tổng lượng người dùng thường xuyên vào khoảng 150 triệu người dùng/tháng.
* Tạo động lực để phát triển kinh tế số
2.074 /3.192 hệ thống, đạt 65% được phê duyệt cấp độ an toàn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập nền tảng Hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác này, cho phép giám sát, đo lường tự động. Bộ đề nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả nền tảng và hoàn thành phê duyệt cấp độ hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý trong quý II/2024.
Nhãn tín nhiệm mạng là chỉ dẫn quan trọng giúp người sử dụng dịch vụ nhận diện dịch vụ tin cậy, hạn chế rủi ro bị lừa đảo. Hiện, có 4.770 website được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, gán nhãn tín nhiệm mạng; trong đó có 3.823 website của cơ quan nhà nước. Cùng với Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia, đến nay, các đơn vị chức năng đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo; bảo vệ hơn 10,1 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trên không gian mạng. Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai gán nhãn tín nhiệm mạng cho 100% website thuộc phạm vi quản lý chậm nhất trong quý II/2024.
Cũng theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2023, đã triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 38,3%. Ước tính tiết kiệm được gần 37 triệu giờ làm việc của người dân so với việc thực hiện dịch vụ công theo cách truyền thống, tương đương với tiết kiệm được 1.274 tỷ đồng.
Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng này được dự báo sẽ chậm lại trong một vài năm tới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định kinh tế số ngành, lĩnh vực là không gian mới, tiềm năng để tỷ trọng kinh tế số đạt 20% vào năm 2025, 30% vào năm 2030. Việt Nam có 5 ngành, lĩnh vực có tiềm năng gồm: Nông nghiệp, du lịch, dệt may, Logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ định hướng trọng tâm 2024: Việt Nam cần tìm ra không gian mới, động lực phát triển mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Ủy ban Quốc gia chủ đề để định hướng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động". Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 gồm 9 nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số, 5 nhiệm vụ phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số, 6 bài toán lớn về sáng tạo ứng dụng số đặt hàng các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung giải quyết./.