Bảo hiểm Xã hội huyện Thọ Xuân hiện quản lý 463 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 163 đơn vị hành chính sự nghiệp và 300 doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.
TTXVN - Bảo hiểm Xã hội huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi người lao động, không có đơn vị nợ bảo hiểm số tiền lớn, kéo dài.
Bảo hiểm Xã hội huyện Thọ Xuân hiện quản lý 463 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 163 đơn vị hành chính sự nghiệp và 300 doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Đa số các đơn vị đều có ý thức chấp hành tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Địa bàn chỉ có 2 đơn vị chậm đóng bảo hiểm trên 3 tháng với số tiền 360 triệu đồng.
Công ty Cổ phần may xuất khẩu Minh Anh là doanh nghiệp sử dụng lao động lớn trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Hàng tháng, doanh nghiệp đóng 100% các khoản bảo hiểm cho 1.200 lao động với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Để chủ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các chính sách về bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội huyện Thọ Xuân luôn chủ động bám sát tình hình thực hiện các chính sách liên quan, kịp thời thông báo những chính sách mới, điều chỉnh những phát sinh và phối hợp tốt với công ty trong việc thực hiện các chính sách bảo hiểm cho người lao động.
Chị Lê Thị Hương (xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân) làm việc ở bộ phận may của Công ty Cổ phần may xuất khẩu Minh Anh chia sẻ, chị làm việc hơn 2 năm với thu nhập ổn định 7 triệu/tháng, các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm đều được nhận đầy đủ. Người lao động được cầm Sổ Bảo hiểm của mình. Năm 2022, chị sinh em bé và đã kịp thời được nhận chế độ thai sản nhanh chóng. Người lao động rất yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Ông Trần Hồ Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần may xuất khẩu Minh Anh cho hay, công ty luôn đảm bảo đóng các chế độ bảo hiểm cho người lao động ngay từ tháng làm việc đầu tiên. Ngoài việc đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động, công ty đang nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, tìm các nguồn đơn hàng, tạo việc làm ổn định, các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động được đảm bảo.
Không chỉ thực hiện tốt công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, huyện Thọ Xuân thực hiện rất tốt việc tuyên truyền, vận động người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến từng thôn, khu phố, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng; đồng thời mở rộng và nâng cao chất lượng các tổ chức dịch vụ thu, cộng tác viên. Bảo hiểm Xã hội Thọ Xuân luôn đẩy mạnh phát triển ứng dụng bảo hiểm số (VssID) nhằm minh bạch hóa thông tin của người tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó giúp người dân thêm tin tưởng để tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tính đến đầu tháng 6/2023, huyện có hơn 8.700 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt trên 90% kế hoạch giao, vượt xa mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra.
Ông Lê Văn Lợi, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Thọ Xuân cho biết, cùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các ngành đôn đốc thu hồi nợ, Bảo hiểm Xã hội huyện thường xuyên báo cáo Thường trực Huyện ủy, UBND huyện về thực trạng nợ đọng tại các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã mời các doanh nghiệp đóng trên địa bàn lên làm việc, yêu cầu cam kết đóng bảo hiểm cho người lao động đúng quy định. Vì vậy, toàn huyện không có đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền lớn, nợ kéo dài.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, địa phương nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tích cực chỉ đạo thì địa phương đó đạt tỷ lệ cao người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo an sinh xã hội. Huyện Thọ Xuân đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ rất sớm và nhất quán quan điểm trong chỉ đạo và hành động. Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, huyện gần gũi, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; đồng thời vận động người lao động thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Huyện ủy, UBND huyện luôn phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chuyên môn tập hợp số liệu theo diễn biến từng giai đoạn để từ đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Với phương châm “lấy chất lượng phục vụ đặt lên hàng đầu”, Bảo hiểm Xã hội huyện Thọ Xuân đã có nhiều đổi mới trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành; xử lý nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội./.