Thường trực Ban Bí thư: Không để xảy ra việc "cài cắm" lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật
Tiếp xúc cử tri, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh một trong những yêu cầu của xây dựng pháp luật trong thời kỳ mới là không để xảy ra việc "cài cắm lợi ích nhóm".
(TTXVN) Ngày 19/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc với cử tri các quận Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn để báo cáo kết quả của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Sau khi lắng nghe báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri Đà Nẵng bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng vào những kết quả của kỳ họp Quốc hội vừa qua. Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri đã nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất.
Băn khoăn về tình hình phòng, chống tham nhũng tiêu cực vẫn còn nhiều khó khăn, cử tri Nguyễn Văn Quỳnh (trú tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu) mong muốn chính quyền có biện pháp triệt để ngăn chặn tình trạng chạy việc, chạy chức, chạy bằng cấp, dự án; quản lý chặt chẽ các dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách có quy mô lớn. Ngoài ra, cử tri Nguyễn Văn Quỳnh cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền có biện pháp để xử lý tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Cử tri Lê Đình Thi (phường Xuân Hà, Thanh Khê) nêu ra tình trạng một số bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị y tế; tình trạng tắc đường ở một số khu vực giao thông trọng điểm và kiến nghị thành phố có cách thức giải quyết tình trạng này. Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (trú tại phường Tân Chính, quận Thanh Khê) đề nghị, cấp thẩm quyền cần khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai...
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã trực tiếp giải đáp một số kiến nghị của cử tri, trong đó trọng tâm là công tác phòng, chống tham nhũng.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và nhà nước quan tâm, đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài ra, công tác cán bộ cũng nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt những cán bộ suy giảm uy tín đã được thay thế bằng những đồng chí có năng lực, phù hợp với vị trí hơn. Điều này, đã được người dân đồng tình ủng hộ.
Theo Thường trực Ban Bí thư, sau khi có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhiều địa phương đã làm tốt vai trò, phát huy hiệu quả, xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Tình trạng "trên nóng dưới lạnh" đến nay đã phần nào được khắc phục.
Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Trong công tác phòng chống tham nhũng, phải kết hợp chặt chẽ giữa “phòng” và “chống”. “Chống” mạnh, xử lý nghiêm thì sẽ mang theo giá trị răn đe. “Phòng” thì phải bằng nhiều quy chế, giáo dục, nêu gương sao cho không thể, không dám, không muốn tham nhũng.
Liên quan đến xây dựng pháp luật, ông Võ Văn Thưởng cho biết, yêu cầu của xây dựng pháp luật trong thời kỳ mới là các văn bản pháp luật phải khoa học, khả thi, khắc phục sự chồng chéo xung đột với nhau; đặc biệt không để xảy ra việc "cài cắm" lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật…
Với kiến nghị về đổi mới công tác tiếp xúc cử tri được nhiều người dân quan tâm, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị, trong lúc chờ đổi mới, thành phố Đà Nẵng cần phát huy những cơ chế hiện có. Các cấp chính quyền từ thành phố, quận, huyện, phường xã tăng cường tiếp xúc với người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân./.