Môi trường

Tích hợp cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản với cơ sở dữ liệu quốc gia

Bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra bức thiết.

Chiều 21/10, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị "Quán triệt, triển khai việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết, mục tiêu tổng quát Nghị quyết 10-NQ/TW chính là điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon.

Hoạt động sản xuất của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) . Ảnh TTXVN

Mục tiêu cụ thể định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; thăm dò, khai thác, chế biến đối với hầu hết các khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới.

Bên cạnh đó, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỷ lệ 1:500.000 trên biển; hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác.

Hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á.

Để đạt mục tiêu tăng dự trữ một số khoáng sản vì lợi ích lâu dài như Nghị quyết số 10-NQ/TW đề ra, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh nhấn mạnh, thời gian tới, Tổng cục đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; thống nhất và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Đồng thời, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Theo ông Hà Chu Hạ Long, Chánh Văn phòng Đảng ủy Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, công tác lập quy hoạch khoáng sản còn hạn chế nên khó khăn khi cấp phép.

Việc triển khai lập, phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh liên quan đến lĩnh vực khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch chưa hoàn thành, khó khăn cho công tác quản lý, sản xuất.

Vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của lực lượng bảo vệ pháp luật của địa phương còn hạn chế dẫn đến không kịp thời trong phát hiện, đấu tranh xử lý vi phạm...

Ngoài ra, chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản nhằm thu hồi tối đa, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản, nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác, nhất là đối với các loại khoáng sản quy mô trung bình và nhỏ (chì - kẽm, thiếc, đá hoa trắng …).

Các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ khai thác, chế biến chưa có tính ứng dụng thực tiễn cao; còn nhiều doanh nghiệp khai thác không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) gây tác động xấu đến môi trường.../.

Diệu Thúy

Xem thêm