“Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)" với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã được tổ chức mới đây nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, mang lại nguồn thu cho ngân sách.
Hướng tới xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) một cách toàn diện, có tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời có sự tiếp cận với xu hướng phát triển trên thế giới, chiều 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) đồng chủ trì tổ chức “Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)" với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, do vậy phải tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành mong muốn, đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển Pháp, các cơ quan, ban, ngành tiếp tục chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm liên quan đến các chính sách quản lý tài nguyên nước, góp phần xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, làm tiền đề xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hiệu quả.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, nếu các hành động quyết định không được thực hiện, mức độ gia tăng của các mối đe dọa liên quan đến nước có thể làm giảm khoảng 6% GDP của Việt Nam hàng năm vào năm 2035.
Tham vọng của Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải tăng cường khuôn khổ pháp lý để giải quyết các mối đe dọa liên quan đến nước như “quá ít”, “quá bẩn” và “quá nhiều” một cách toàn diện và tích hợp.“Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 là một bước quan trọng đầu tiên.
Trong tương lai, Việt Nam phải hướng tới việc thực hiện có hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), bao gồm thông qua nâng cao năng lực, tài chính và đầu tư. Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam để chuyển các quy định pháp luật thành hành động phối hợp nhằm giải quyết các thách thức hiện nay và tạo ra một Việt Nam đảm bảo nguồn nước”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Chia sẻ về tình hình triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 tại địa phương, bà Cao Thị Lan Anh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng, trong gần 10 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, thành phố Hải Phòng triển khai đồng bộ các quy định của Luật, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn một số bất cập, vướng mắc, do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để bảo đảm phù hợp với thực tế hơn.
Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Bảo vệ môi trường 2020, gây khó khăn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng thực hiện.
Thực tế tại Hải Phòng, có một số doanh nghiệp có nhu cầu trả lại Giấy phép tài nguyên nước (Khu công nghiệp Nomura, Khu công nghiệp VSIP…) nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ trả lại giấy phép tài nguyên nước…
Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về các giải pháp quản lý nước mưa, phòng, chống ngập lụt đô thị; đồng thời cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh và quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, bảo vệ các nguồn nước liên tỉnh.
Trên cơ sở cách tiếp cận và kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước và các yêu cầu phát sinh trong thực tế quản lý tài nguyên nước, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất một số chính sách sẽ sửa đổi, bổ sung như: Chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước; chính sách xã hội hóa ngành nước; chính sách tài chính về tài nguyên nước; chính sách bảo vệ tài nguyên nước và chính sách khác...
Đồng thời, rà soát đồng bộ để sửa đổi, bổ sung theo hướng xử lý các vấn đề chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi và các Luật khác có liên quan. Đáng chú ý, trong Luật sửa đổi lần này, Cục đề xuất việc quy định nguyên tắc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực nước.
Các hoạt động ưu tiên thực hiện xã hội hóa (điều tra cơ bản tài nguyên nước; quan trắc, giám sát; cải tạo, phục hồi các dòng sông; cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái dựa vào nguồn nước; hoạt động kè bờ sông…); cơ chế ưu tiên, điều kiện ưu tiên; nguồn vốn xã hội hóa; quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện; trách nhiệm quản lý hoạt động xã hội hóa…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên nước một cách đồng bộ, tổng hợp, thống nhất, đảm bảo an ninh tài nguyên nước./.
- Từ khóa:
- Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)