Tiến trình thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican đang có nhiều bước phát triển
Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican sẽ công bố Quy chế hoạt động của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.
TTXVN - Từ ngày 5 đến 10/6, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) với chủ đề “50 năm FABC: Nhìn lại các văn kiện và áp dụng”.
Hội nghị được tổ chức nhằm nhìn lại 50 năm Liên Hội đồng Giám mục Á châu; chia sẻ về các hoạt động gìn giữ môi trường, công bằng xã hội và di dân tại Á châu và tham khảo các chương trình về bảo vệ môi trường tại Giáo phận Bà Rịa.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục, nữ tu và chuyên viên đến từ 11 quốc gia và Tòa thánh Vatican.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ về hoạt động sinh hoạt của Giáo hội, việc rèn luyện đức tin, các hoạt động bác ái xã hội, đóng góp các ý kiến thiết thực cho FABC. Trong những ngày Hội nghị, các đại biểu đi thực tế để tìm hiểu về đời sống địa phương, dự buổi giới thiệu về nhạc cụ và âm nhạc Việt.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chia sẻ, FABC là tổ chức có liên kết các Hội đồng Giám mục các Giáo hội Công giáo địa phương ở châu Á trong tinh thần hữu nghị và hợp tác. Với mục đích củng cố tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo hội và của xã hội tại châu Á, FABC đã có những đóng góp tích cực, thúc đẩy xây dựng một Giáo hội địa phương thực sự nhập thế trong lòng dân tộc.
FABC đã nhìn thấu đáo những thách đố hiện nay ảnh hưởng đến người dân trên phạm vi toàn cầu, đó là dịch COVID-19, xung đột chiến tranh một số nơi trên thế giới dẫn tới đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng kinh tế khó khăn, lạm phát khủng hoảng kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức…; hiện tượng xâm thực văn hóa làm xói mòn các thiết chế văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở châu Á với cái nôi văn minh của nhân loại; kinh tế thị trường cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin cũng làm mai một đức tin nhân bản, các truyền thống nghi lễ, cách bày tỏ và thực hành đức tin của các tôn giáo. Thông qua các diễn đàn, các cuộc trao đổi, thảo luận, FABC đã thể hiện sự quyết tâm của các Giáo hội tại Á châu cùng nhau hành trình và làm việc với tinh thần cống hiến nhiều hơn nữa cho một châu Á hòa bình - ổn định và phát triển tốt đẹp hơn.
Thông tin đại dịch COVID-19 hoành hành khốc liệt ở thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thất nặng nề về cả con người và của cải, hệ lụy của nó còn kéo dài làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống an sinh của người dân, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, có các quyết sách quan trọng trên các lĩnh vực để ổn định phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù còn khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực sau đại dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước đạt 8%, lạm phát được kiểm soát, quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được triển khai rộng mở, an sinh xã hội của nhân dân được đảm bảo. Đó là nỗ lực đồng lòng của toàn thể xã hội, trong đó có các tôn giáo.
Thứ trưởng nhấn mạnh, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, bác ái để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Đồng thời pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, tinh thần và nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông báo về tiến trình thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican đang có nhiều bước phát triển; cho biết, ngày 31/3/2023 vừa qua, tại Tòa thánh Vatican đã diễn ra cuộc họp lần thứ X của nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Hai bên đã trao đổi sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Vatican, trong đó có vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam; thông qua đó đã thống nhất thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican sẽ công bố Quy chế hoạt động của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.
“Đây là sự kiện rất quan trọng trong tiến trình nâng cấp quan hệ hai nước, góp phần mở ra cơ hội thuận lợi cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng với Công giáo thế giới”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định.
Ghi nhận thời gian qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã tích cực tham gia góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong công tác từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, nổi bật là giáo dục mầm non và dạy nghề, Thứ trưởng cho biết, Giáo hội đã tổ chức nhiều lớp học tình thương, bổ túc văn hóa cho trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật; lập quỹ khuyến học để hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện học tập; trao học bổng cho học sinh. Giáo hội cũng mở phòng khám nhân đạo, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, người già neo đơn, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS; hưởng ứng phong trào nông thôn mới, làm đường liên thôn, bắc cầu và làm cây nước cho bà con nghèo vùng sâu. Có những giáo xứ là mô hình điểm trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương…
Trước tình hình ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đối với đất nước, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã sốt sắng hướng dẫn chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn tấn nhu yếu phẩm, suất cơm, thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, có hơn 1.700 tình nguyện viên là các Linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân lên đường tham gia tuyến đầu chống dịch; nhiều hội dòng, dòng tu, giáo xứ đã tự nguyện dùng cơ sở tôn giáo làm nơi cách ly tập trung, cộng tác với các bệnh viện đưa bệnh nhân từ các bệnh viện vào trong các cơ sở tôn giáo để chăm sóc…. đã tạo hiệu ứng tích cực, sự ghi nhận, đánh giá cao của chính quyền và các tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng, việc Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lần này khẳng định vị trí của Giáo hội trong Giáo hội Công giáo các nước châu Á, cũng là thực hiện những cam kết có trách nhiệm với Công giáo trong khu vực với vai trò là một thành viên của FABC. Đồng thời, lắng nghe ý kiến các đại biểu tham dự để có vận dụng phù hợp, hiệu quả vào xây dựng Giáo hội bền vững, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng mong muốn các đại biểu dự Hội nghị thống nhất vạch ra tầm nhìn của Giáo hội tại Á châu trong công cuộc phục vụ các dân tộc của Á châu; thông qua vai trò trong Giáo hội có những sáng kiến, giải pháp hữu hiệu, phù hợp với đặc điểm tình hình chính trị, xã hội của các quốc gia để đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của xã hội vì một châu Á thịnh vượng với thông điệp “vì một Giáo hội hiệp hành”.
“Tôi mong muốn các đại biểu châu Á và Giáo hội Công giáo Việt Nam nêu cao tính hiệp hành trong cầu nguyện và hành động, chỉ dẫn chức sắc, giáo dân bằng nhiều hoạt động thiết thực, tuân thủ pháp luật, khẳng định giá trị đạo đức tốt đẹp và đóng góp của Công giáo trong cộng đồng”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nói./.