Ngày 2/2, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện.
TTXVN - Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất Kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 bị can về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Theo điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, cung cấp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác.
Cụ thể, vào khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp qua mạng Internet để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau về chuyện bí mật đời tư cá nhân, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh và bà Đặng Thị Hàn Ni. Cùng khoảng thời gian này, bị can Nguyễn Phương Hằng cũng thông qua các tài khoản mạng xã hội, công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng là ông Lê Công Vinh trong các buổi livestream tại Bình Dương.
Cơ quan điều tra xác định, với vai trò "cố vấn pháp lý" cho bị can Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, giảng viên) tham gia livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng 11 buổi từ tháng 10/2021 - 3/2022, trong đó có một số nội dung chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, tuy nhiên vẫn có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân. Cơ quan điều tra không khởi tố ông Quân.
Trong vụ án này, các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (sinh năm 1983, ngụ tại Quận 12, trợ lý bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1992, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (sinh năm 1994, ngụ tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) đã có hành vi giúp sức cho hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Phương Hằng.
Các bị can đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên trang mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ cho Nguyễn Phương Hằng khi Hằng trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân. Việc giúp sức của Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân chỉ dừng lại khi Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án này vào tháng 9/2022 và tháng 11/2022. Sau lần trả hồ sơ thứ nhất, Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra kết luận điều tra bao gồm nội dung hành vi sai phạm của bị can Hằng tại Bình Dương. Còn sau lần trả hồ sơ thứ 2, Cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can Nhi, Hà, Tân về hành vi giúp sức cho bị can Nguyễn Phương Hằng./.