Đắk Lắk đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thoát nghèo.
TTXVN - Triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030, tại tỉnh Đắk Lắk đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác tại tỉnh Đắk Lắk được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo…
* Hiệu quả từ nguồn vốn vay
Gia đình ông Lý Văn Sùng (sinh năm 1978, dân tộc Mông, tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, là một trong nhiều hộ được vay vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, trước đây, ông Sùng chỉ có hai mảnh đất để trồng khoai mỳ (sắn), nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Cuối năm 2022, ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn địa phương giải ngân cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông mua hai con bò để nuôi. Sau 5 tháng, bò lớn, ông đem bán lấy tiền để mua thêm bê con tiếp tục chăm sóc. Đến nay, ông đã phát triển đàn bò lên được bảy con. Ông Lý Văn Sùng phấn khởi cho biết, ngoài nuôi bò, gia đình còn trồng thêm hai sào cỏ, cũng đủ trả lãi cho ngân hàng, nuôi con ăn học.
Năm 2022, bà Giàng Thị Chợ (sinh năm 1960, dân tộc Mông) tại thôn Ea Uôl, cũng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để chuyển đổi giống cây trồng. Hơn một ha đất của gia đình trước đây được trồng cây khoai mỳ. Tuy nhiên, đất canh tác nhiều năm đã xói mòn, nên không mang lại hiệu quả. Nhờ nguồn vốn vay, bà đã đầu tư trồng khoảng 10.000 cây keo. Đến nay, sau một năm được bà chăm sóc, cây keo phát triển tốt.
Cư Pui là xã vùng III của huyện Krông Bông, với dân số hơn 15.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90% dân số. Vùng này đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,3% dân số. Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, địa phương đã quán triệt, triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức rà soát, bình xét, lựa chọn các đối tượng. Qua kết quả bước đầu, sau hơn một năm triển khai, đến nay, đã có 128 hộ được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 28 với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
“Chương trình bước đầu đã cho hiệu quả thiết thực, được sự ủng hộ, đồng tình của nhiều người dân. Chương trình đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện giúp họ xây dựng nhà ở, cải tạo đất đai, phát triển kinh tế tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Đây là chương trình hết sức quan trọng trong việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ở những xã khó khăn như Cư Pui, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo”, ông Nguyễn Minh Nghiệp thông tin.
Sau hơn một năm triển khai, đến ngày 15/9, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân đạt hơn 58 tỷ đồng, với trên 1.070 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28. Trong đó, 96 hộ được hỗ trợ xây, sửa nhà nhà ở; 54 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 924 trường hợp được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Theo ông Thượng Văn Điệp, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác giải ngân các chương trình cho vay đảm bảo nghiêm túc, đúng đối tượng, hiệu quả, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai chương trình vẫn còn một số khó khăn trong đó có việc phối hợp rà soát các đối tượng cụ thể cơ bản chậm so với kế hoạch. Thời gian tới, Ngân hàng cố gắng đẩy nhanh tốc độ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, rà soát các đối tượng, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời để người dân tiếp cận nguồn vốn trong thời gần nhất.
* Quản lý chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn
Krông Bông là huyện khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có 25 dân tộc, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40% dân số. Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông tích cực thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay. Đến tháng 8/2023, tổng dư nợ tín dụng của Phòng Giao dịch đạt hơn 589 tỷ đồng, với khoảng 13.000 người được tiếp cận các nguồn vốn, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Phòng Giao dịch tiến hành rà soát các đối tượng thụ hưởng và nhu cầu vốn vay để triển khai kịp thời. Sau đại dịch COVID-19, các đối tượng yếu thế thực sự khó khăn. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, người dân được vay vốn phù hợp sinh kế, qua đó, bà con phát huy hiệu quả nguồn vốn, tạo điều kiện vươn lên. Thời gian tới, Phòng Giao dịch sẽ rà soát đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn, sử dụng vốn; phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền sâu rộng đến người dân để tiếp cận nguồn vốn.
Ông Sính Cháng Páo, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Ea Uôl cho biết, các thành viên trong Tổ thường xuyên truyền đạt cho bà con về các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất cho vay… Thực tế, nhu cầu của người dân rất nhiều, bà con rất quan tâm, hưởng ứng. Các thành viên trong Tổ tiết kiệm tiến hành lập danh sách những người có nhu cầu vay; đồng thời quản lý, kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích. Nhờ nguồn vốn vay, bà con có thêm điều kiện chuyển đổi giống cây trồng, chăn nuôi bò, phát triển kinh tế, đời sống được nâng lên.
Tại Đắk Lắk, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã làm tốt vai trò trong xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn. Tính đến hết tháng 8/2023, tổng dư nợ tại Chi nhánh là hơn 6.966 tỷ đồng; có trên 166.000 lượt hộ vay còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương xuống còn 10,9%.
Ông Thượng Văn Điệp, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk khẳng định, chương trình tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả. Đến nay, mức tăng trưởng của toàn Chi nhánh đạt trên 635,5 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng rất tốt so với bình quân chung (tăng 10,03% so với đầu năm 2023). Để có được kết quả trên, Chi nhánh có sự thống nhất triển khai chặt chẽ các Nghị quyết của tỉnh Đắk Lắk; đặc biệt, quan tâm kế hoạch tín dụng tăng trưởng của Trung ương; tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giao nguồn vốn cho các huyện. Trên cơ sở đó, trực tiếp chỉ đạo các huyện tham mưu, nhanh chóng phân bổ vốn cho các xã, thôn, buôn phù hợp nhu cầu của người dân.
Hầu hết các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ủy thác qua bốn tổ chức hội, đoàn thể. Quá trình bình xét cho các đối tượng vay vốn có sự tham gia, giám sát của chính quyền địa phương, tổ chức hội. Do đó, có sự phối hợp nhịp nhàng, hệ thống, tạo thuận lợi cho nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng./.