Các mỏ khoáng sản cát đưa ra đấu giá phải phù hợp với quy hoạch khai thác; đã có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng; việc đấu giá quyền khai thác đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
TTXVN - Theo tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ nay đến ngày 13/10/2023, Công ty đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam - đơn vị được lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản sẽ tiến hành bán hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với ba điểm mỏ cát (đợt 1), gồm: Mỏ Châu Sơn, mỏ Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì), mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) tại quận Bắc Từ Liêm.
Địa điểm bán hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (số 18 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa), Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (tầng 1, nhà N2D, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Công ty đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam (số 6/4 Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy).
Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội cho biết, ba mỏ cát trên đã có kết quả thăm dò; trong đó, mỏ Châu Sơn có diện tích 169.300 m2, coste khai thác (độ sâu đáy mỏ khi kết thúc khai thác) +1, trữ lượng cấp là 703.536 m3; mỏ Tây Đằng - Minh Châu có diện tích 815.306 m2, coste khai thác +4, trữ lượng cấp 4.899.000 m3; mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) diện tích 157.300 m2, coste khai thác +1, trữ lượng cấp 508.603 m3.
Giá khởi điểm đấu giá của mỏ Châu Sơn là 2.881 triệu đồng với bước giá 144.000.000 đồng; mỏ Tây Đằng - Minh Châu giá khởi điểm là 19.290 triệu đồng, bước giá 965 triệu đồng; mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) giá khởi điểm 2.051 triệu đồng, bước giá 103 triệu đồng.
Phương thức đấu giá được tính theo cách trả giá cao dần và đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá nhiều vòng đến khi không còn người nào trả giá tiếp thì người trả giá cuối cùng có mức trả giá cao nhất sẽ là người trúng đấu giá.
Thời hạn nộp hồ sơ từ ngày 11 - 13/10/2023; thời gian mở cuộc đấu giá vào 9 giờ ngày 16/10/2023. Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước chậm nhất đến 17 giờ ngày 13/10/2023.
Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 51 b, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, đảm bảo điều kiện hoạt động khoáng sản thì nộp hồ sơ tham gia đấu giá và được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xét chọn đủ điều kiện tham gia.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội, từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với hai điểm mỏ cát (ba mỏ cát) trên địa bàn huyện Ba Vì, gồm: Mỏ Cổ Đô 1 và Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô, xã Phú Cường) diện tích 1.560 m2, coste khai thác +4m, trữ lượng cấp khoảng 7.770 m3; mỏ Thanh Chiếu (xã Phú Cường) diện tích 338.800 m2, coste khai thác +1m, trữ lượng cấp khoảng 2.490 m3. Nếu năm 2023, chưa thực hiện đấu giá hết các khu vực mỏ đã được phê duyệt trên thì sẽ được chuyển sang đấu giá trong thời gian tiếp theo.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát là căn cứ pháp lý cho việc lập thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản và thủ tục về đất đai, trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư; đồng thời, nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, hoạt động này góp phần hạn chế tối đa việc khai thác cát lòng sông trái phép gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự xã hội.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các mỏ khoáng sản cát được lựa chọn đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; đã có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản được phê duyệt; việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 201 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; trong đó có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí. Như vậy, số lượng các bến, bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc thành phố, trong đó 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động).
Báo cáo của các quận, huyện cho thấy, công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả, vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác trái phép cát chưa được xử lý dứt điểm. Trong khi đó, lực lượng quản lý lại yếu, mỏng, phương tiện ít, các đối tượng cố tình vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, thường diễn ra vào đêm tối, rất khó phát hiện và xử lý…
Đáng chú ý, theo đánh giá, chất vấn của Đoàn Giám sát HĐND thành phố Hà Nội tại các kỳ họp gần đây, tình hình quản lý bến bãi và khai thác khoáng sản ở các địa phương còn nhiều vấn đề tồn tại khiến cử tri, nhân dân bức xúc. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng từ khi phát hiện vi phạm đến kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chưa vào cuộc quyết liệt và còn có tư tưởng "khoán trắng" nhiệm vụ quản lý cho ngành Công an.
Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội đề nghị, các sở, ngành liên quan phải rà soát, tham mưu UBND thành phố sớm xây dựng quy hoạch bến thủy nội địa và quy hoạch bến bãi vật liệu xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ theo đề xuất, kiến nghị của các quận, huyện.
Đối với việc quản lý bến bãi trung chuyển vật liệu, khó khăn hiện nay là cần tập trung tháo gỡ các thủ tục về đất đai vì trên thực tế phải xác định rõ về nguồn gốc đất, biến động của mỗi bến bãi. Do vậy, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có quy chế phối hợp rõ ràng để rà soát, đánh giá, hoàn thiện thủ tục theo quy định pháp luật.
Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác; tổ chức đấu giá quyền khai thác cát sỏi; rà soát các khu vực bến, bãi đủ điều kiện hoạt động và phù hợp tiêu chí, có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thuê đất; nhanh chóng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã giải tỏa các bến, bãi không đủ điều kiện hoạt động. Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, khảo sát xây dựng bến, địa điểm tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính; tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sửa chữa, đóng mới trên tuyến đường thủy để hạn chế tình trạng tự ý hoán cải, lắp đặt các thiết bị phục vụ hoạt động khai thác cát trên phương tiện nhằm ngăn chặn và giải quyết tận gốc tình trạng khai thác cát trái phép.
UBND các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, tổ chức giải tỏa đối với các bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông chưa đảm bảo điều kiện hoạt động; chủ động xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với các bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành kiểm tra, xử lý và giải tỏa vi phạm, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
UBND thành phố Hà Nội đã giao Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện thị xã xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành quý IV/2023. Ngoài ra, thành phố tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc trong quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông nhằm phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản.../.
- Từ khóa:
- Đấu giá
- khai thác
- khoáng sản
- mỏ cát