Phát huy vai trò xung kích của thanh niên nói chung và thanh niên ngành báo chí nói riêng trong tiếp cận công nghệ mới, tích cực học hỏi để trở thành cầu nối phổ cập tri thức số đến với cộng đồng.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên nói chung và thanh niên ngành báo chí nói riêng trong tiếp cận công nghệ mới, tích cực học hỏi để trở thành cầu nối phổ cập tri thức số đến với cộng đồng là nội dụng trong tọa đàm “Thanh niên với phong trào Bình dân học vụ số - Thực tiễn tại các ban tin nguồn của TTXVN”.
Tọa đàm do Chi đoàn Ban biên tập tin Thế giới và Chi đoàn Ban biên tập tin Trong nước (TTXVN) phối hợp Đoàn Thanh niên Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tổ chức.
* Phát huy tinh thần thanh niên trong chuyển đổi số
Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ mang ý nghĩa phổ cập tri thức công nghệ đến cộng đồng, mà còn gắn liền với việc hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nối tiếp phong trào “Bình dân học vụ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã yêu cầu phát động, thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số". Ngày 26/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn/.
Cuối tháng 2 vừa qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phát động phong trào Bình dân học vụ số.
Chia sẻ tại tọa đàm, anh Nguyễn Kim Quy (Trưởng Ban Mặt trận thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cho biết: phong trào này sẽ được đẩy mạnh trong Tháng Thanh niên và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè.
Và trong những hoạt động, phong trào thanh niên trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn - hội tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và thanh niên về phong trào “Bình dân học vụ số”; thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt; tổ chức các lớp “Bình dân học vụ số” trong cộng đồng dân cư, thanh niên.
Các cấp bộ đoàn - hội cũng sẽ nghiên cứu triển khai và nhân rộng các giải pháp, mô hình, phần việc thanh niên hiệu quả trong quá trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số ở địa phương, đơn vị. Chủ động đề xuất các giải pháp hỗ trợ, đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Theo anh Nguyễn Kim Quy, với vai trò là lực lượng xung kích, thanh niên nói chung và thanh niên ngành báo chí nói riêng cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, tích cực học hỏi để trở thành cầu nối phổ cập tri thức số đến với cộng đồng.
* Phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số
Vừa qua, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn/, trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong phong trào đang được hưởng ứng trên cả nước. Đây là nền tảng hỗ trợ phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số. Người dân chỉ cần vào nền tảng, đăng nhập bằng VNeID là có thể tham gia các khóa học rất dễ dàng và tiện lợi. Ngoài ra các tổ chức, đơn vị muốn học theo nhóm riêng, có báo cáo đánh giá định kỳ về tình hình học tập của cán bộ, có thể liên hệ C06 để được tạo lớp riêng hỗ trợ.
Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, nền tảng này đã được triển khai thí điểm từ 2023 và ra mắt chính thức vừa qua.
“Giá trị của nền tảng mang lại là cắt giảm chi phí đào tạo truyền thống. Tính trung bình chi phí 1 triệu/1 người/1 tuần nếu đào tạo truyền thống, đào tạo tập trung. Khi chúng tôi phối hợp với UBND của 1 địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn cho khoảng 5.000 cán bộ, công chức qua nền tảng này thì giúp địa phương tiết kiệm khoảng 5 tỷ đồng” – Thiếu tá Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Bên cạnh đó, đây là nền tảng tuân theo kiến trúc tiên tiến nhất trên thế giới về đào tạo trực tuyến đảm bảo có thể đáp ứng số lượng rất lớn người học, việc thay đổi quy mô đào tạo được thực hiện rất dễ dàng.
Người học có thể truy cập nhanh, dễ dàng từ bất cứ địa điểm nào có kết nối internet, trên các thiết bị thông dụng, cung cấp khả năng tương tác giữa người dạy và người học theo nhiều hình thức, tự học theo bài giảng video, học có giám sát cả trực tiếp bởi con người học qua AI…
Bên cạnh đó có thể theo dõi chi tiết quá trình học của từng học viên, đánh giá và báo cáo tiến độ học tập của học viên theo tổ/nhóm hoặc cả lớp, cho phép chủ động kiểm soát, hỗ trợ và đôn đốc học tập; bài kiểm tra có thể được giám sát bằng công nghệ AI nhận dạng khuôn mặt, đảm bảo tính nghiêm túc trong thi cử.
Chia sẻ về ứng dụng công nghệ, thông tin trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật (Phó Trưởng Ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân dân) đưa ra những dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào sản xuất tác phẩm báo chí, với việc hỗ trợ tạo hình ảnh, gỡ băng phỏng vấn, tổng hợp thông tin…
Báo chí không thể đứng ngoài xu thế này. AI không thay thế được nhà báo nhưng AI là công cụ hỗ trợ đắc lực. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải lựa chọn công nghệ, AI nào để sử dụng; việc ứng dụng AI vào công đoạn nào trong quy trình sản xuất tác phẩm báo chí cũng cần được cân nhắc và kiểm soát để tránh rủi ro. Từ đó, nhà báo Hoàng Nhật cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các ứng dụng số, ứng dụng AI phục vụ công tác báo chí.
Bên cạnh đó, bối cảnh thông tin hiện nay cũng đòi hỏi các nhà báo phải đẩy mạnh vai trò xác minh thông tin.
* Trau dồi kiến thức bên cạnh ứng dụng công nghệ
Trong thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng đã tích cực triển khai chuyển đổi số ở nhiều cấp độ, đặc biệt là tại các đơn vị sản xuất thông tin nguồn – nơi có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dòng tin chủ lực cho toàn ngành.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự nhấn mạnh, việc trang bị kiến thức, kỹ năng số rất quan trọng đối với thế hệ thanh niên, nhất là thanh niên trong các cơ quan thông tấn, báo chí. Khoa học, công nghệ giúp cho từng nhà báo, biên tập viên trong quá trình sản xuất, lan tỏa thông tin.
Bên cạnh đó, các nhà báo, biên tập viên tham gia, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh và an toàn, có trách nhiệm; tăng cường phát hiện, phản hồi với những thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Để làm được điều đó, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự nhấn mạnh, thanh niên cần thường xuyên trau dồi, tích lũy những kiến thức nền tảng, liên tục cập nhập các ứng dụng công nghệ thông tin để sử dụng hiệu quả trong quá trình tác nghiệp, thông tin.
“Công nghệ là cần thiết, giúp nâng cao hiệu suất nhưng cũng không nên có tư tưởng ỷ lại, đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, kiến thức” – Phó Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để thúc đẩy phong trào Bình dân học vụ số, phổ cập kiến thức công nghệ cho người dân./.
- Từ khóa:
- Phong trào Bình dân học vụ số
- báo chí