Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho nữ tác giả của 22 dự án khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 12 giải Khuyến khích.
TTXVN - Ngày 20/9, tại tỉnh Phú Yên, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa cấp vùng khu vực miền Trung năm 2023. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho nữ tác giả của 22 dự án khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 12 giải Khuyến khích; đồng thời chọn ra 10 dự án xuất sắc tham gia vòng Chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa cấp quốc gia.
Với dự án khởi nghiệp “Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi heo thảo dược vi sinh theo chuỗi giá trị có kiểm soát”, chị Nguyễn Thị Hoài Sen (tỉnh Quảng Bình) đã xuất sắc giành giải Đặc biệt tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa cấp vùng khu vực miền Trung năm 2023. Đây là dự án ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi heo, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu nông sản tại địa phương và liên kết thu mua sản phẩm bền vững. Mô hình này cho ra sản phẩm thịt heo an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng chăn nuôi bền vững cho nhiều lao động địa phương và không gây ô nhiễm môi trường.
Trong 22 dự án khởi nghiệp được tôn vinh, có 2 dự án do phụ nữ khuyết tật thực hiện. Các dự án này không chỉ tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ mà còn nâng cao vai trò của người khuyết tật trong xã hội. Điển hình là dự án khởi nghiệp “Sản xuất gối đinh lăng Vạn Phước” của Lê Thị Mỹ Linh (tỉnh Khánh Hòa) đã góp phần tăng thu nhập cho cho các thành viên trong Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật ở xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương chia sẻ, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023 thu hút 2.024 dự án tham gia. Qua các vòng thi, Ban Tổ chức đã chọn 68 dự án khởi nghiệp vào vòng Chung kết tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Các dự án khởi nghiệp cho thấy ý chí quyết tâm, nỗ lực của hội viên phụ nữ trong phong trào quốc gia khởi nghiệp. Đây là sức sống, tiềm năng mới cần được tiếp sức để các ý tưởng khởi nghiệp được hiện thực hóa, giúp phụ nữ trở thành những nhà quản lý kinh tế giỏi, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ.
Các dự án khởi nghiệp năm nay được hình thành từ tài nguyên của địa phương với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, thúc đẩy giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của cuộc thi, từ ngày 18-20/9, tại tỉnh Phú Yên đã diễn ra Hội chợ Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP, với 40 gian hàng của phụ nữ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên./.