Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều bác sỹ đã phải đi ra tuyến đầu trực tiếp điều trị cho người bệnh nhưng ngay sau đó đã có những bác sỹ khác tình nguyện thay thế.
(TTXVN) Mặc dù hiện nay dịch COVID-19 không còn là mối lo ngại hàng đầu, số lượng người dân gọi đến Tổng đài 1022 cũng đã giảm nhiều nhưng Tổng đài 1022 vẫn tiếp tục hoạt động để giải đáp những thắc mắc của người dân về các vấn đề hậu COVID-19. Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết như vậy khi nhắc đến hiệu quả của Tổng đài 1022 tư vấn hỗ trợ người dân phòng chống, dịch COVID-19 trong thời điểm dịch căng thẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 23/7/2021, Tổng đài 1022 nhánh 3 do Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố chính thức đi vào hoạt động để tư vấn hỗ trợ người dân phòng chống dịch COVID-19; trong đó, chủ yếu tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà. Ngay lập tức, Tổng đài tư vấn 1022 nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân.
Mỗi ngày có hàng ngàn số điện thoại gọi về Tổng đài nhờ tư vấn các vấn đề liên quan đến COVID-19 như: Cách thức phát hiện bệnh, thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà, cách sử dụng thiết bị thở oxy, đo nồng độ oxy máu, cách sử dụng thuốc, cấp cứu bệnh chuyển biến nặng (khó thở, đau ngực...), xử lý tử thi chết vì COVID-19, tiêm chủng vaccine.... Ngoài ra, nhiều người dân còn có nhu cầu khám chữa bệnh thông thường, điều trị bệnh nền trong bối cảnh không thể tiếp cận được các cơ sở y tế....
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ: "Đã có hơn 142.000 cuộc gọi đến Tổng đài 1022 nhưng chúng tôi chỉ tiếp nhận, tư vấn được 89.396 cuộc gọi, điều này đồng nghĩa vẫn còn hàng chục nghìn cuộc gọi, lời yêu cầu hỗ trợ người dân chưa được trợ giúp khiến chúng tôi vô cùng day dứt".
Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân, Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông mở ra thêm nhánh 5 là nhánh tư vấn chăm sóc sức khỏe theo chuyên khoa. Đường dây này chịu trách nhiệm tư vấn, chăm sóc sức khỏe theo chuyên khoa, hướng dẫn dùng thuốc, tư vấn về lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập, chỉ định thăm khám hay xét nghiệm bổ túc hoặc giúp chuyển bệnh đến cơ sở điều trị thích hợp.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết, Tổng đài tư vấn 1022 hoạt động 3 ca mỗi ngày với sự tham gia của hơn 220 y bác sỹ tình nguyện. Đặc biệt, có nhiều bác sỹ đến từ các địa phương khác như Hà Nội, Đắk Lắk, Bình Định... cũng đăng ký tham gia tư vấn trên hệ thống Tổng đài 1022.
“Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều bác sỹ đã phải đi ra tuyến đầu trực tiếp điều trị cho người bệnh nhưng ngay sau đó đã có những bác sỹ khác tình nguyện thay thế. Vì thế, đội ngũ tư vấn vẫn luôn đảm bảo hoạt động tư vấn cho người dân trong các khung giờ hoạt động”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung xúc động nhớ lại.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, điều đáng tiếc nhất là vẫn có hơn 10.000 cuộc gọi của người dân không được hồi đáp vì các chuyên gia tư vấn không thể làm việc 24/24 giờ mỗi ngày. "Các tư vấn viên đa số đều là bác sỹ, chuyên gia lớn tuổi, việc bố trí các ca trực tư vấn phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì có hơn 10.000 cuộc gọi không thể nhấc máy", Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung bày tỏ.
Là một trong những thành viên đầu tiên của tổ tư vấn chăm sóc sức khỏe qua Tổng đài 1022, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Bay - Giảng viên Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, những ngày đầu khi kênh tư vấn mới đưa vào hoạt động - cũng là thời điểm dịch bệnh tại Thành phố leo thang căng thẳng, mỗi ngày bản thân bà và các đồng nghiệp đã nhận hàng trăm cuộc gọi bất kể ngày đêm: "Lúc đầu chúng tôi bị khủng hoảng lắm bởi vì số lượng cuộc gọi đến quá nhiều, người dân gọi bất cứ thời điểm nào trong ngày. Có những lúc tôi bị quá tải, thế nhưng chỉ cần tắt máy trong vài tiếng đồng hồ thì đã có 70 cuộc gọi nhỡ. Tôi hiểu rằng 70 cuộc gọi nhỡ là 70 trường hợp đang cần giúp đỡ. Vì thế, chúng tôi lại tiếp tục mở máy và tư vấn cho người dân".
Còn với Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh thì việc khám bệnh, tư vấn, kê đơn qua điện thoại là việc làm "chưa từng có tiền lệ" trong đời y nghiệp của mình.
"Mỗi khi tư vấn, hướng dẫn, chuyển bệnh và cứu sống được một người bệnh là chúng tôi vui lắm" - đó không chỉ là tâm sự của bác sĩ Lê Văn Gắt, giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mà còn của tất cả y bác sỹ tham gia vào đội ngũ tư vấn viên Tổng đài chăm sóc sức khỏe 1022 Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày giúp sức người dân vượt qua dịch COVID-19.
Nhận xét về hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe qua Tổng đài 1022, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, sự ra đời của tổng đài hỗ trợ F0 từ xa của Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những "cứu cánh" của người dân trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát dữ dội nhất. Với đội ngũ bác sỹ là các chuyên gia đầu ngành, có chuyên môn cao, người dân hoàn toàn yên tâm với sự tư vấn qua Tổng đài, giúp người dân hạn chế việc đi lại, giảm nguy cơ lây nhiễm khi đến các cơ sở y tế, tiết kiệm thời gian và chi phí…
Ngoài ra hoạt động của Tổng đài còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện trong bối cảnh phải đối phó với dịch bệnh đang kéo dài nhờ giúp sàng lọc và xử trí những trường hợp chưa cần đến bệnh viện. "Trong bối cảnh nhân viên y tế tại các bệnh viện quá tải, công tác điều trị cho F0 tại nhà gặp nhiều khó khăn thì tổng đài hỗ trợ F0 từ xa đã góp phần giảm tải rất nhiều cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho người dân, tạo cho họ niềm tin để chiến thắng bệnh tật", Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định./.
Đinh Hằng