Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn ghi nhận, biểu dương những đóng góp quan trọng của đồng bào Khmer vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao,...
TTXVN - Ngày 5/4, tỉnh Trà Vinh tổ chức họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu được nghe Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Lâm Minh Đằng đọc thư chúc mừng năm mới của Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh gửi chư tăng cùng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ người Khmer với những lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn ghi nhận, biểu dương những đóng góp quan trọng của đồng bào Khmer vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Năm 2023, tỉnh Trà Vinh thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đề ra: Tăng trưởng GRDP đạt 8,25%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32.011 tỷ đồng; quy mô nền kinh tế đạt 83.375 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 81,7 triệu đồng/người/năm… Tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn kêu gọi quý vị chư tăng, đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ Khmer trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, nêu cao ý chí tự lực tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh; tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần xây dựng quê hương tỉnh Trà Vinh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thay mặt chức sắc, đồng bào Khmer trong tỉnh, Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh bày tỏ niềm vui và sự biết ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của công dân nói chung và hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng. Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào Khmer, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các lễ hội truyền thống được giữ gìn và phát huy; hỗ trợ sửa chữa, trùng tu, nâng cấp các ngôi chùa ngày càng khang trang, sạch đẹp; trong đó nhiều chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và tỉnh… Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước sẽ phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết lương giáo, thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật cho các vị chư tăng và đồng bào phật tử, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Trà Vinh luôn nỗ lực thực hiện các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều nguồn vốn, chương trình của Trung ương và địa phương được đầu tư để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Nhờ vậy, năm 2023, Trà Vinh giảm gần 2.000 hộ nghèo, trong đó có hơn 1.400 hộ nghèo dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh; trong đó, có 1.830 hộ Khmer, chiếm 2,03% so với tổng số hộ Khmer trong tỉnh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2024, Trà Vinh bố trí nguồn vốn trên 260 tỷ đồng thực hiện các dự án với nhiều tiểu dự án nhằm nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, chủ yếu là người Khmer. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 200 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 35 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách trên 25 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giảm 0,3% hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 0,5%./.