Kết quả khảo sát là căn cứ để các nhà trường điều chỉnh trong tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ.
TTXVN - Sáng 5/4, học sinh lớp 12 của Hà Nội bắt đầu tham gia làm bài khảo sát chất lượng, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Kỳ khảo sát diễn ra đến hết chiều 6/4 với số bài kiểm tra tương tự như kỳ thi chính thức sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2024.
Mặc dù kết quả khảo sát không sử dụng làm điểm kiểm tra, đánh giá học sinh, song đây sẽ là căn cứ để các nhà trường điều chỉnh trong tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ, từ đó góp phần nâng tỉ lệ tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Toàn thành phố có 273 điểm trường tổ chức khảo sát. Theo tổng hợp số liệu thống kê của các nhà trường tính đến sáng 5/6, thành phố có hơn 116.000 học sinh đăng ký tham dự khảo sát, bao gồm cả học sinh trường công lập, tư thục và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Các nhà trường đã bố trí 4.850 phòng thi với gần 12.200 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, giám sát.
Trước giờ làm bài môn Ngữ văn, Đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở dẫn đầu đã tới kiểm tra công tác tổ chức khảo sát tại Trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội). Tại đây, Đoàn công tác đã động viên, căn dặn các học sinh làm bài nghiêm túc để có kết quả thực chất, làm cơ sở để rút kinh nghiệm, kịp thời chuẩn bị tốt cho kỳ thi chính thức vào cuối tháng 6/2024.
Trong kỳ khảo sát này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức khảo sát 5 bài kiểm tra gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm các môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong các bài kiểm tra này, chỉ có môn Ngữ văn làm bài theo hình thức tự luận, các môn còn lại làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Các học sinh lớp 12 sẽ tham gia khảo sát theo lịch. Cụ thể, sáng 5/4 khảo sát bài thi Ngữ văn (120 phút), chiều 5/4 bài thi Toán (90 phút), sáng 6/4 khảo sát bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (mỗi bài thi 150 phút), chiều 6/4 khảo sát bài thi Ngoại ngữ (60 phút).
Đề kiểm tra do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội soạn thảo theo cấu trúc tương tự đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Toàn bộ các khâu đều được thực hiện tương tự như ở Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông như in sao đề kiểm tra, học sinh ngồi theo số báo danh, đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn, bài thi được rọc phách, chấm chéo…
Hoàn thành bài khảo sát môn Ngữ văn trong sáng 5/4, em Lê Phương Thanh (Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù biết không lấy điểm nhưng em vẫn làm bài với sự nỗ lực tối đa. Qua đó, giúp em biết được khả năng của bản thân, từ đó sắp xếp thời gian ôn tập khoa học trong thời gian từ nay đến khi kỳ thi chính thức diễn ra.
Em Vũ Tuấn Kiệt (Trường Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt, quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, các bài khảo sát của thành phố Hà Nội rất có ý nghĩa, giúp em có cơ hội làm quen với dạng đề, cấu trúc đề, mức độ kiến thức trong đề. Làm bài Ngữ văn không được tốt nhưng em vẫn cảm thấy may mắn khi biết được “lỗ hổng” kiến thức của bản thân để kịp thời tăng tốc.
Việc tổ chức khảo sát toàn thành phố đối với học sinh lớp 12 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hằng năm vào tháng 4 và luôn nhận được ý kiến đồng tình từ các nhà trường, gia đình, học sinh. Từ kết quả khảo sát, ngành sẽ xác định được mức độ đáp ứng về kiến thức, kỹ năng của học sinh, cũng giúp học sinh tránh tâm lý chủ quan. Các nhà trường, gia đình cũng có kế hoạch tăng cường hỗ trợ học sinh trong giai đoạn nước rút.
Theo ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội), năm học 2023 - 2024, nhà trường có 15 lớp 12 với 700 học sinh. Các học sinh đã được thông báo về lịch khảo sát chi tiết, sẵn sàng cho cuộc tập dượt quan trọng này. Kỳ khảo sát không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức, mà còn là cơ sở để các giáo viên nắm được điểm mạnh, điểm yếu của học sinh để có kế hoạch củng cố kiến thức phù hợp. Cũng thông qua kiểm tra khảo sát, giáo viên bộ môn sẽ có biện pháp bồi dưỡng, kịp thời khắc phục những hạn chế của học sinh, còn bản thân học sinh cũng tự rút ra kinh nghiệm trong việc làm bài, xác định được những phần kiến thức còn yếu cần bù lấp, những kỹ thuật làm bài còn chưa nắm vững.
Ông Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, trường có điểm tuyển đầu vào thấp, phụ huynh còn chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con nên ngay từ lớp 10, nhà trường đã nỗ lực động viên học sinh để các em xây dựng ý thức học tập. Với những phương pháp, sáng kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhà trường đang tập trung cố gắng hỗ trợ, đồng hành cùng 7 lớp 12 với hơn 200 học sinh để nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
“Kỳ khảo sát rất có ý nghĩa với nhà trường và học sinh bởi các em sẽ được trực tiếp tham gia làm bài giống như thi thật, được rèn luyện về tâm lý phòng thi. Từ kết quả của cuộc tập dượt này, nhà trường nắm rõ hơn tình hình chung của toàn khối 12, các giáo viên sẽ phân loại được học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, kèm cặp sát hơn và đặc biệt học sinh sẽ biết được bản thân cần thay đổi như thế nào”, ông Nguyễn Duy Bỉnh chia sẻ thêm.
Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có 98.642 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh thành phố đạt 99,56%, tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ xếp thứ 27 lên vị trí thứ 16), có 149 trường đạt tốt nghiệp 100%./.