Song song với công tác đào tạo trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ, Trà Vinh còn chú trọng việc phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người dân tộc Khmer đủ năng lực giữ các chức vụ chủ chốt
TTXVN - Trà Vinh là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống cao nhất cả nước, chiếm gần 32% dân số của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn chú trọng công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cùng với việc đầu tư, hoàn thiện mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học tại các trường, học sinh Khmer còn được “tiếp bước” đến trường bằng nhiều chế độ ưu đãi.
Trà Vinh hiện có trên 216.000 học sinh, trong đó học sinh dân tộc Khmer hơn 78.600 em, chiếm 36,4%. Toàn tỉnh có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1 Trường Trung cấp Pali-Khmer và Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường Đại học Trà Vinh). Hiện nay, học sinh, tăng sinh, sinh viên học tại các trường này được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ.
Các trường Phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh thuộc diện chính sách đặc biệt ưu tiên, đảm nhiệm nhiệm vụ “vừa nuôi - vừa dạy” học sinh Khmer, góp phần đào tạo nguồn cán bộ dân tộc Khmer trình độ cao cho tỉnh.
Hằng năm, Trà Vinh luôn ưu tiên bố trí nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, đầu tư thiết bị dạy học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Năm 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn được bố trí gần 48,2 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 35,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 12,6 tỷ đồng.
Thầy Kim Chan Ta Na, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Trà Vinh cho biết, học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng chế độ ưu đãi theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các chế độ gồm: miễn học phí, hằng tháng được nhận học bổng bằng 80% mức lương cơ bản, tương đương 1.440.000 đồng; được cấp thẻ bảo hiểm y tế, học phẩm hằng năm. Học sinh mới trúng tuyển vào trường cũng được cấp đầy đủ các vật dụng sinh hoạt, áo khoác, áo mưa, đồ đồng phục… Ngoài ra, học sinh còn được hỗ trợ tiền tàu xe, điện, nước sinh hoạt…
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Trà Vinh có tổng số 413 học sinh. Hằng năm, nhà trường tuyển sinh chỉ tiêu 140 em là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Khmer. Thầy Kim Chan Ta Na cho hay, những năm gần đây, trình độ học sinh Khmer trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Gần 20 năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh tại Trường luôn đạt 100%. Năm học 2022-2023, phổ điểm tốt nghiệp của nhà trường đứng hạng 3/46 trường trong tỉnh; hơn 71% học sinh của trường trúng tuyển vào các Trường Đại học top đầu toàn quốc; điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 đầu vào cũng rất cao so với các trường trong tỉnh.
Cùng được hưởng chế độ ưu đãi theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, Trường Trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh được thành lập năm 2014, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Trường đào tạo theo hình thức đặc thù gồm hệ giáo dục thường xuyên, tiếng Pali, ngữ văn Khmer và giáo lý Phật giáo cho tăng sinh, học sinh Khmer đã tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Sơ cấp Pali-Khmer hoặc tương đương (Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiếng Khmer cấp Trung học Cơ sở); thời gian đào tạo 3 năm/khóa.
Khi mới thành lập, Trường mượn tạm cơ sở vật chất tại chùa Kompong, phường 1, thành phố Trà Vinh. Từ năm học 2019-2020, Trường khánh thành điểm mới tại phường 8, thành phố Trà Vinh. Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư khang trang với nhiều khu, phòng, nhà trường còn có ký túc xá đảm bảo cho hơn 144 tăng sinh, học sinh Khmer ăn, nghỉ, sinh hoạt và học tập. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã tuyển sinh được 8 khóa, với tổng số 300 tăng sinh, học sinh; trong đó, 221 tăng sinh, học sinh đã tốt nghiệp.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali-Khmer Lâm So Rone cho biết, việc thành lập Trường đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng lớn nhất của các vị cao tăng, cán bộ lão thành cách mạng và đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Trường Trung cấp Pali-Khmer ra đời góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ dân trí cao trong đồng bào dân tộc và sư sãi, phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh.
Bên cạnh các trường đào tạo theo hình thức đặc thù trên, tỉnh Trà Vinh còn có Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường Đại học Trà Vinh), với rất nhiều sinh viên dân tộc Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo học. Hiện, sinh viên học ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (Khmer) được miễn 100% học phí, được cấp sinh hoạt phí 450.000 đồng/tháng. Ngoài ra, hằng năm, nhà trường còn cấp phát nhiều suất học bổng đối với những em có thành tích học tập tốt.
Song song với công tác đào tạo trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ, Trà Vinh còn chú trọng việc phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người dân tộc Khmer đủ năng lực giữ các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền các cấp, đảm bảo tính kế thừa.
Đến nay, toàn tỉnh có 47.022 đảng viên, trong đó, có 8.269 đảng viên dân tộc Khmer, chiếm 17,58% đảng viên toàn tỉnh; 100% ấp, khóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số có đảng viên là người dân tộc. Các địa phương có đông đồng bào Khmer đều bố trí cán bộ là người dân tộc Khmer giữ các chức danh chủ chốt.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Thạch Mu Ni cho hay, trình độ dân trí đồng bào Khmer tại Trà Vinh đã được nâng cao đáng kể. Đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer ngày càng trưởng thành về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 23.430 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó người dân tộc Khmer chiếm gần 21%. Nhiều người dân tộc Khmer giữ các chức danh cán bộ chủ chốt của tỉnh, sở, ngành và các địa phương.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp vùng đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc; khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo ở vùng dân tộc, tôn giáo được giữ vững. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.