Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng chú trọng đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn khi tham gia mạng xã hội.
Ngày 17/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức buổi "Truyền thông cho trẻ em về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và văn minh".
Bà Phạm Thị Thúy Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng cho biết, theo số liệu của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, trung bình mỗi ngày có từ 1 đến 2 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong 3 năm, từ năm 2021 đến năm 2023, có 1.224 cuộc gọi tư vấn về các nội dung gồm: xâm hại tình dục là 366 cuộc; bóc lột tình dục là 28 cuộc; trẻ em bị bạo lực, bắt nạt 132 cuộc; trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm 142 cuộc; cách sử dụng internet an toàn 477 cuộc và một số cuộc gọi khác.
Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tại thành phố các cấp chú trọng đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn khi tham gia mạng xã hội.
Bà Phạm Thị Thúy Hải tin tưởng, buổi truyền thông giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tiếp xúc với mạng xã hội cũng như ý thức được trách nhiệm bản thân trong vấn đề này. Các em hãy là người thông minh để dùng mạng xã hội một cách hiệu quả. Sau buổi truyền thông, trẻ em thành phố sẽ có một kỷ niệm đáng nhớ về một mùa hè sôi động và bổ ích, đồng thời góp phần thúc đẩy tạo ra một môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn. Đây cũng là dịp để người lớn lắng nghe chính con em mình đề xuất những giải pháp sát thực nhất, tích cực nhất, hiệu quả nhất nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho thiếu niên trong thời đại công nghệ số.
Bên cạnh những thông tin về những lợi ích do mạng xã hội mang lại, buổi truyền thông đã chiếu những clip nói về những tác hại khôn lường khi trẻ em sử dụng mạng xã hội, nhất là liên quan đến bạo lực tình dục qua mạng, bắt nạt qua mạng. Cùng với đó, thông qua các tình huống được dàn dựng sinh động, các trò chơi thú vị, buổi truyền thông giúp các em hiểu được cụ thể hơn về những hiểm họa trên mạng xã hội và hình dung hướng giải quyết với các sự việc nếu không may trở thành người trong cuộc.
Em Ngô Quang Dũng, học sinh lớp 12 A9, Trường Trung học Phổ thông Thái Phiên, quận Ngô Quyền cho biết, buổi truyền thông cuốn hút do có nhiều tình huống gần gũi với thực tế của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Dù đã biết về lợi, hại của mạng xã hội, nhưng qua chương trình, em học thêm được nhiều kỹ năng xử lý tình huống như: giải quyết vấn đề bắt nạt qua mạng, một số "mẹo" để tránh rơi vào "bẫy" lừa đảo trên mạng, nhất là kích hoạt các link xấu, độc./.