Trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ nhà giáo đi B: Ký ức về thời thanh xuân đầy nhiệt huyết
Sự kiện này nhằm đưa hồ sơ, kỷ vật trở về với chính chủ nhân, người thân của cán bộ đi B. Đồng thời cũng là hoạt động thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người đã có công lao với đất nước.
TTXVN - Ngày 21/4, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức họp mặt và trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ nhà giáo đi B thuộc Chi hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây là hoạt động ý nghĩa hòa chung không khí kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2023). Sự kiện này nhằm đưa hồ sơ, kỷ vật trở về với chính chủ nhân, người thân của cán bộ đi B. Đồng thời cũng là hoạt động thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người đã có công lao với đất nước, nâng cao ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ đối với lớp thế hệ đã chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân của chính mình để đi vào nơi gian khổ, vì mục đích cao cả đấu tranh, dành độc lập, thống nhất đất nước.
Theo quy định, trước khi đi B (vào Nam công tác), các cán bộ phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu chứa các thông tin cá nhân còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, nhẫn vàng…
Tại buổi lễ, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhấn mạnh, những hồ sơ, kỷ vật này là nguồn sử liệu quý giá, minh chứng về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại nền hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Việc trao trả hồ sơ, kỷ vật đến tận tay những cán bộ đi B và gia đình họ đang rất được Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương quan tâm thúc đẩy. Việc làm này thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước và được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng để nâng cao ý nghĩa giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Cũng theo bà Trần Việt Hoa, trong những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành địa phương quan tâm thúc đẩy, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc địa giới hành chính, tên gọi tại các địa phương nhiều lần thay đổi, địa chỉ công tác, nơi ở của các cán bộ cũng nhiều biến động… việc tìm kiếm và trao trả hồ sơ, kỷ vật đã có những khó khăn, trở ngại lớn. Do vậy, số lượng hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đến nay mới chỉ trao trả được khoảng 30%.
Số hồ sơ, kỷ vật còn lại, đang được lưu giữ, bảo quản và sẽ tiếp tục được trao trả khi cơ quan chức năng xác định được các yếu tố liên quan. Việc này cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và các cá nhân, tổ chức liên quan nhằm sớm trao trả hồ sơ, kỷ vật đến tay các cán bộ, để ghi nhận công lao và đảm bảo các quyền lợi, chế độ, chính sách của lớp cán bộ đi B.
Xúc động chia sẻ những cảm xúc tại buổi lễ, bà Đặng Thanh Bình, cán bộ nhà giáo đi B năm 1965 cho biết, hôm nay, được nhận lại những kỷ vật, trong đó có lá đơn tình nguyện do chính tay mình viết để xin được vào Nam công tác với nét chữ cứng cáp, nghiêm trang, đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân ngày nào đã làm bà nhớ lại tuổi trẻ của bản thân mình và các đồng đội được đồng hành cùng đất nước trong khí thế hào hùng.
"Niềm vui, lòng tự hào trong tôi lại dâng trào khi được nhìn thấy và tận tay chạm vào những kỷ vật thiêng liêng này. Đối với tôi, đây là những kỷ vật vô giá, gắn liền với cuộc sống và sự nghiệp của mình. Những kỷ vật này minh chứng cho cho sự đóng góp, hy sinh của chúng tôi đối với Tổ quốc", bà chia sẻ.
Cảm ơn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã tổ chức buổi lễ ý nghĩa này, bà mong muốn các bạn của bà, những người đồng đội đã cùng bà đấu tranh, xây dựng đất nước cũng sớm nhận lại những tài sản vô giá này. "Những kỷ vật này cũng là niềm tự hào và vinh dự lớn lao đối với gia đình và các thế hệ con, cháu chúng tôi", bà Bình nói.
Đóng góp sức mình vào cuộc chiến đấu mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc, đó là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của lớp lớp thế hệ cha anh. Những người thầy, người cô đi B năm nào vẫn luôn mong mỏi tìm lại những mảnh ký ức của chính mình, để rồi sau hơn 50 năm, hôm nay, giữa không khí tưng bừng kỷ niệm chiến thắng vĩ đại của dân tộc, họ đã được tận mắt nhìn, tận tay chạm vào những kỷ vật của chính mình, được dâng trào những cảm xúc của một thời máu lửa, sẵn sàng gạt bỏ lợi ích cá nhân, luôn tâm niệm rằng “tất cả vì miền Nam ruột thịt” để đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước./.