Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt than để sưởi ấm trong nhà, nhất là trong phòng kín, bởi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí CO hết sức nguy hiểm.
TTXVN - Do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại kéo dài, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 08/CĐ-TTg yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân và diễn biến thời tiết khắc nghiệt nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…
*Mưu sinh trong giá rét
Từ 23/1 đến nay, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố miền Bắc chìm sâu trong rét hại, nhiệt độ thấp nhất xuống 9 độ C, cao nhất 14 độ C. Thời tiết giá rét, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ngày 25/1, mặc dù trời không mưa, vừa mặc quần áo ấm, vừa trùm kín quần áo mưa, chân đi ủng cao, anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe Grap trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, dù đã mặc nhiều áo ấm nhưng mỗi khi chờ khách anh vẫn phải cùng nhóm mấy người bạn đốt lửa bên vỉa hè để sưởi ấm.
Là công nhân vệ sinh môi trường trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội làm việc theo các ca từ sáng sớm đến tối muộn, chị Nguyễn Thúy Hằng chia sẻ, lâu lắm rồi mới thấy rét tê tái như này. Do trời rét, đường phố vắng vẻ hơn. Khi đi làm phải mặc thêm cả quần áo mưa để chống rét và dán thêm miếng giữ nhiệt trong người.
Trong không khí lạnh của mùa đông Hà Nội, tại cửa hàng quần áo UNIQLO trên đường Bà Triệu, anh Abdul Haris Sukarno, quốc tịch Indonesia cho biết, sang Việt Nam du lịch đúng đợt thời tiết lạnh, vì thế phải vào cửa hàng để mua quần áo ấm chống rét.
Là cảnh sát giao thông đứng tại một số điểm chốt chặn trên đoạn đường khu vực Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời tiết lạnh, ngoài mặc quân phục còn phải chủ động mặc thêm áo giữ nhiệt để giữ ấm cơ thể vì vào tối muộn nhiệt độ xuống thấp rất rét.
Do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh nên các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Thanh Hóa thời tiết rét đậm, vùng núi cao rét hại dưới 10 độ C, có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của các em, nhất là học sinh Mầm non và Tiểu học. Các trường học vùng cao trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó, đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày giá rét.
Những ngày này, băng giá xuất hiện trên đỉnh Ô Quý Hồ tại Khu Du lịch Cổng trời thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, băng giá bám vào cây cỏ tạo nên khung cảnh lung linh khiến du khách thích thú.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN ở đỉnh đèo Ô Quý Hồ tại Khu Du lịch Cổng trời thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, do nền nhiệt giảm sâu dưới 0 độ C khiến băng giá phủ kín các cành cây, ngọn cỏ. Từ đêm 23 - 24/1, nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C tại đỉnh đèo Ô Quý Hồ, khu vực giáp ranh thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Nhiều du khách đã có mặt tại Khu du lịch Cổng trời để được tận mắt ngắm băng. Hiện trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ mây mù dày đặc, nhiệt độ tiếp tục giảm sâu. Các phương tiện khi di chuyển qua tuyến đường này cần đi chậm, chú ý quan sát để tránh xảy ra tai nạn giao thông.
Theo quan trắc của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai, lúc 7 giờ ngày 24/1, rét hại bao trùm các địa phương của tỉnh với nhiệt độ thấp nhất ở thành phố Lào Cai là 10,3 độ C; thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) 10 độ C. Vùng núi Bắc Hà chỉ còn 4,9 độ C; Sa Pa thấp nhất 2,6 độ C. Cơ quan chức năng khuyến cáo, các khu vực núi cao cần đề phòng băng giá, mưa tuyết xuất hiện gây hại.
Vùng núi cao của tỉnh Tuyên Quang có nơi dưới 7 độ C, đặc biệt là các xã: Yên Hoa, Thượng Giáp, Hồng Thái, Côn Lôn, Sinh Long (huyện Na Hang), Thượng Lâm, Phúc Yên, Xuân Lập (huyện Lâm Bình). Rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang khả năng kéo dài đến ngày 26/1, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân, đặc biệt, là người già và trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính về đường hô hấp. Rét đậm, rét hại còn ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Nhiệt độ tại các địa phương ở tỉnh Lạng Sơn xuống thấp, nhiều nơi ở mức 4 - 5 độ C. Tại đỉnh Mẫu Sơn, nhiệt độ xuống âm hơn 2 độ C. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt than để sưởi ấm trong nhà, nhất là trong phòng kín, bởi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí CO hết sức nguy hiểm.
* Chủ động phòng, chống rét hiệu quả
Chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp, ngành Y tế tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các bệnh viện giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống rét, chủ động trang bị các thiết bị thiết yếu cho bệnh nhân và người nhà người bệnh đến khám, điều trị. Đồng thời, bố trí đầy đủ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các giải pháp phòng, chống rét cho các em. Ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, trong trường hợp được nghỉ vì nhiệt độ thấp mà vẫn có học sinh đến trường, nhà trường cần quản lý, tổ chức cho các em tham gia một số hoạt động phù hợp và đảm bảo giữ ấm, an toàn đến hết buổi. Các trường tuyệt đối không tổ chức dạy bài mới, nội dung các tiết học của ngày nghỉ; điều chỉnh kế hoạch giáo dục, tổ chức dạy bù khi học sinh đi học bình thường trở lại.
Tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo và giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân; phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng thiệt hại về người và cây trồng, vật nuôi bị chết nhiều do chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét (nhất là rét đậm, rét hại), dịch bệnh cho người dân và cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, các Phòng Giáo dục huyện, thành phố tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho học sinh. Đối với các trường có học sinh bán trú, thầy, cô giáo có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, bổ sung chăn, áo ấm, chỗ ngủ đảm bảo kín và ấm áp cho học sinh. Các trường Mầm non, Tiểu học có nước ấm để phục vụ, chăm sóc các cháu; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý trong những ngày rét đậm, rét hại.
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở có chỉ đạo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, đặc biệt huyện vùng cao chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh. Các cơ sở giáo dục, đặc biệt cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn, lớp, điểm trường lẻ, địa bàn khó khăn đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, sửa chữa kịp thời phòng học, phòng học chức năng… đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Trong ngày 24/1, nhiều địa phương đã chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét…
Theo Công điện số 08/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết; hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động tích cực, triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại, băng giá...
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ đêm 26/1 đến ngày 3/2/2024, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác. Trời rét đậm, rét hại. Riêng Bắc Bộ và Thanh Hóa, đêm 26/1, trời rét hại. Từ ngày 30/1, trời rét, có nơi rét đậm. Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Trung Trung Bộ, từ đêm 26-29/1 có mưa rải rác; phía Bắc trời rét. Các khu vực khác, chiều tối và đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng./.