Việc triển khai hành động sớm ở Việt Nam cần tập trung vào 3 trụ cột là cải thiện thông tin, lập kế hoạch, thực hiện hành động sớm và bố trí nguồn tài chính sẵn, đặc biệt là thông tin, dự báo tốt là điểm mấu chốt để kích hoạt cảnh bảo sớm
TTXVN - Sáng 25/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Văn phòng đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai) tổ chức Hội thảo về vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng Chủ tịch Đối tác; ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai dự Hội thảo.
Cùng tham dự còn có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Khoa học Thủy lợi, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI; Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai cùng 22 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ có đóng góp trong công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ về một trong các định hướng nổi bật trong công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và thế giới. Đó là "Hành động sớm trong phòng, chống thiên tai" thông qua giới thiệu Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân trong việc triển khai các hoạt động hành động sớm trong phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Đối tác chia sẻ, trong bối cảnh, thiên tai ngày một tăng về cường độ và tần suất, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu, viết lên câu chuyện kiên cường ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang đòi hỏi sự quan tâm thích đáng cũng như sự hợp tác. Điều quan trọng là các hành động và chiến lược chúng ta theo đuổi cần phù hợp với bối cảnh trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, việc triển khai hành động sớm ở Việt Nam cần tập trung vào 3 trụ cột là cải thiện thông tin, lập kế hoạch, thực hiện hành động sớm và bố trí nguồn tài chính sẵn, đặc biệt là thông tin, dự báo tốt là điểm mấu chốt để kích hoạt cảnh bảo sớm và tầm quan trọng của việc tham gia của các quỹ như Quỹ cộng đồng phòng, chống thiên tai, các doanh nghiệp và đối tác trong triển khai hành động sớm.
Tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đã giới thiệu về Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai, các nội dung và phương hướng triển khai trong thời gian tới. Đại diện các tổ chức tham dự đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm tốt, các khó khăn, thách thức khi triển khai các hoạt động hành động sớm tại Việt Nam.
Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là sáng kiến của Việt Nam và đã được các nước thành viên ASEAN cùng đồng thuận thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Tuyên bố Hạ Long nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai, chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua "hành động sớm". Trong đó, 3 trụ cột chính gồm: Cải thiện thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; tăng cường lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm thực hiện thành công các hành động sớm trong quản lý thiên tai./.