“Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là chủ đề của Hội thảo Văn hóa 2022 dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12 tới. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 800 đại biểu.
(TTXVN) “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là chủ đề của Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12 tới. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 800 đại biểu.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phỏng vấn ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội thảo để làm rõ hơn mục đích, nội dung và công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.
-Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “... gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần…” Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay, theo ông, việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa như thế nào?
Ông Phan Viết Lượng: Nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ này còn không ít khó khăn, thách thức.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”.
Triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chủ trương tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã trực tiếp chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Hội thảo nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đồng thời, tạo diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa (ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ, nghệ nhân; liên kết, hợp tác trong nước và ngoài nước trong phát triển văn hóa…) và các vấn đề đặt ra.
Hội thảo dự kiến tổ chức trong một ngày (17/12/2022) tại tỉnh Bắc Ninh, với sự tham dự trực tiếp của khoảng 800 đại biểu. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ mời một số cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa tham dự trực tuyến.
Từ những lý do, mục đích, nội dung và quy mô trên, có thể thấy, Hội thảo Văn hóa năm 2022 thực sự cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng và đặt ra yêu cầu cao đối với công tác chuẩn bị nội dung, truyền thông, các điều kiện đảm bảo khác.
-Ông có thể làm rõ hơn chủ đề và những nội dung chính của Hội thảo?
Ông Phan Viết Lượng: Qua nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tình hình thực tế, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan đồng chủ trì tổ chức đã xin ý kiến, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội chọn chủ đề của Hội thảo là “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Hội thảo là dịp để chúng ta rà soát, phân tích hệ thống chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; đồng thời đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra.
Từ đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các vấn đề chính cần tập trung làm rõ tại Hội thảo này đó là: Cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng, ban hành thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa; nguồn lực cho phát triển văn hóa.
-Là cơ quan chủ trì tổ chức, công tác chuẩn bị cho Hội thảo đang được tiến hành như thế nào để đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thưa ông?
Ông Phan Viết Lượng: Công tác chuẩn bị tổ chức Hội thảo được lãnh đạo Quốc hội, Ban Chỉ đạo Hội thảo rất quan tâm, chỉ đạo thường xuyên nên cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Ngay sau khi Đề án tổ chức Hội thảo được lãnh đạo Quốc hội, Ban Chỉ đạo thông qua, Ban Tổ chức Hội thảo đã xây dựng danh mục, xác định các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa viết bài tham luận theo chủ đề, nội dung đề ra.
Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận, tổ chức thẩm định 91/111 bài tham luận thuộc danh mục để chuẩn bị in bộ tài liệu; lựa chọn, đề xuất khoảng 15 bài tham luận trình bày tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề cốt lõi của Hội thảo như tôi đã nói ở trên, đó là thể chế, chính sách và nguồn lực.
Chúng tôi đã xây dựng các dự thảo chương trình chi tiết, kịch bản điều hành chung, kịch bản thảo luận bàn tròn; xây dựng bản tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ các bài tham luận… Đồng thời, phối hợp các cơ quan trong việc chuẩn bị nội dung, mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ dự, phát biểu khai mạc, chỉ đạo và tổng kết, bế mạc Hội thảo.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị các công việc về truyền thông trước, trong và sau Hội thảo (triển khai kế hoạch tuyên truyền, xây dựng bộ nhận diện của Hội thảo; xây dựng và vận hành trang web, xây dựng phóng sự chiếu tại Hội thảo …) và công tác lễ tân, hậu cần, kỹ thuật, an ninh, trật tự, y tế đảm bảo đạt yêu cầu đề ra.
Đây là Hội thảo về văn hóa - lĩnh vực có vai trò vô cùng quan trọng, với quy mô lớn và mục đích, ý nghĩa rất thiết thực. Vì vậy, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tập trung hoàn thiện các công việc còn lại về nội dung, truyền thông, hậu cần,… để Hội thảo bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra./.