Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số...
Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.
Năm 2024, tỉnh đã hoàn thành 24/29 nhiệm vụ của Đề án 06/CP do Chính phủ, Tổ Công tác Đề án 06 chính phủ giao; 5/29 nhiệm vụ đang triển khai. Nhiều chỉ tiêu của Đề án 06 được tỉnh Quảng Ngãi thực hiện cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có trên 65% người có tài khoản an sinh xã hội và nhận trợ cấp qua tài khoản, vượt hơn 35% so với chỉ tiêu được giao. Chi trả với phương thức không dùng tiền mặt cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, đạt hơn 60%; trong đó ở vùng đô thị đạt 67%, vượt 5% so với chỉ tiêu được giao. 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 đạt gần 98%.
Riêng 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” đã giúp giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc, người dân chỉ khai thông tin 1 lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính. Thu nhận tài khoản định danh điện tử mức 2 đạt 81% trên tổng số công dân đã có thẻ Căn cước công dân; đã kích hoạt đạt 92%, cao hơn tỷ lệ trung bình chung của toàn quốc. Đồng thời, 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã và các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNeID trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Quảng Ngãi hiện xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm các tỉnh có điểm tốt chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt gần 78% (trên mức trung bình của cả nước là 68,3%); hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt hơn 83,8% (trên mức trung bình của cả nước là 67,06%); khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa là hơn 137 nghìn hồ sơ, đạt 25% (trên mức trung bình của cả nước là gần 19%).
Tại huyện Trà Bồng, những giải pháp linh hoạt sáng tạo, phù hợp với địa bàn huyện nghèo, miền núi. Trà Bồng đã thực hiện đạt và vượt 11/13 nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06/CP, đang triển khai 2 nhiệm vụ. Nổi bật đó là địa phương đã hoàn thành 100% cập nhật thông tin người lao động lao động, hội viên các hội vào phần mềm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 100%. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 98%; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt 47%, chi trả qua tài khoản cho người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội đạt 73%, vượt tương ứng 17% và 13% chỉ tiêu đề ra. Đến nay, 99,8% nhân khẩu trên địa bàn huyện đã được cấp thẻ Căn cước; thu nhận hồ sơ cấp Căn cước cho công dân dưới 14 tuổi đạt 92%; 81% công dân trên địa bàn đã có tài khoản định danh mức 2. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước thay bảo hiểm y tế giấy đạt 96%, vượt 16%. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành rà soát, thu thập thông tin liệt sĩ phục vụ triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính - một nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa to lớn.
Trung tá Hồ Ngọc Đoan, Phó Trưởng Công an huyện Trà Bồng cho biết, qua triển khai Đề án 06 giúp người dân dễ dàng tiếp cận, giải quyết các thủ tục dịch vụ công trực tuyến thuận lợi; tiện ích của Đề án 06 giúp người dân miền núi tham gia khám, chữa bệnh không còn mất nhiều thủ tục. Ngoài ra, việc cơ sở dữ liệu dân cư được cập nhật đầy đủ vào hệ thống giúp ích rất nhiều cho việc quản lý đối tượng vi phạm pháp luật, tra cứu thông tin nhanh hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống.
Đại tá Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Tổ Đề án 06 cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhất là việc chậm xây dựng Cơ sở dữ liệu về đất đai; số hóa sổ hộ tịch; nhập thông tin liệt sĩ gắn với thông tin thân nhân hưởng trợ cấp. Việc chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng an sinh, người có công ở nhiều địa phương chưa đạt 30%. Trong đó, các huyện Tư Nghĩa mới đạt gần 17%, Sơn Tịnh 18,76%, Bình Sơn 28%. Để thực hiện hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn thời gian tới, Tổ Đề án 06 tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ban, ngành ngoài các mô hình đã triển khai năm 2024, phải tổ chức triển khai hiệu quả ít nhất 1 mô hình điểm theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai các mô hình của Đề án 06. Các sở, ban, ngành đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ số hóa sổ hộ tịch; kiểm tra, đánh giá, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.
- Từ khóa:
- Đề án 06
- tiện ích
- người dân
- doanh nghiệp