Thành công trong thực hiện Đề án 06 không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn minh chứng cho “Tầm nhìn dài hạn” của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền số.
Hà Nội là địa phương tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai nhiệm vụ của Đề án 06. Kết quả triển khai Đề án 06 của Hà Nội góp phần hình thành hệ thống hành chính theo hướng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hình thành thói quen cho người dân tham gia xã hội số trong tương lai.
* Tích hợp VNeID lên iHanoi
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, về việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn năm 2024 và các nhiệm vụ thành phố giao các đơn vị thực hiện, đến nay, có 46/64 nhiệm vụ của Đề án 06 trong năm 2024 đã hoàn thành; 18 nhiệm vụ còn lại cơ bản là những nhiệm vụ đang triển khai thường xuyên, định kỳ.
Đối với 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 Tổ công tác Chính phủ giao, thành phố hiện đã hoàn thành 12/19 nhiệm vụ; 1/19 nhiệm vụ đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện đang triển khai giai đoạn 2; 6/19 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.
Kết quả lớn nhất của triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố là thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu về chuyển đổi số. Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội.
Điểm nổi bật của phát triển các ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06 Chính phủ là ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHaNoi. Ứng dụng thể hiện tâm huyết và quyết tâm rất cao của Chính quyền thành phố trong mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Tính đến ngày 31/10/2024, tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng đạt 1.043.724. Đã tiếp nhận 17.083 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Trong đó có tới 14.398 phản ánh, kiến nghị đã được xử lý, chiếm 84,3%. Đặc biệt, từ ngày 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.
Việc sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập trên ứng dụng iHanoi, giúp người dân không cần xác thực lại các thông tin cá nhân như: số căn cước công dân, họ tên, ngày sinh, giới tính trên ứng dụng iHanoi. Với hình thức đăng ký/đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại, người dân vẫn cần thực hiện xác thực lại các thông tin cá nhân khi sử dụng 1 số chức năng như: Phản ánh thủ tục hành chính, Đăng ký tiếp công dân, Sổ sức khoẻ điện tử.
Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước đã hoàn thành triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe (HSSK) Thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối Hệ thống HSSK Thành phố với Cơ sở dữ liệu Dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân. Đến thời điểm hiện tại, đã xác minh được hơn 6,3 triệu người dân trên toàn thành phố.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 4/10/2024, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công. Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.
* Lấy người dân làm trung tâm
Để thực hiện hiệu quả Đề án 06, Hà Nội đặt mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để xây dựng chủ trương chính sách, sự hài lòng của người dân là sản phẩm cuối cùng của cải cách hành chính. Đồng thời có các giải pháp thông minh và cách làm mới với phương châm tích hợp các giải pháp “xanh”, giải pháp “số” để tránh lãng phí. Ngoài ra, việc phân công phối hợp giữa các đơn vị phải rõ ràng, không trùng lắp các nhiệm vụ.
Hà Hội thực hiện các nhiệm vụ với 3 nguyên tắc là thượng tôn pháp luật, luôn luôn lắng nghe, thái độ phục vụ; cùng 6 phấn đấu là: nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt, sản phẩm cụ thể. Kết quả cuối cùng là tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
UBND thành phố Hà Nội đã có công văn về việc công tác thi đua, khen thưởng nhiệm vụ Đề án 06/2024 và xây dựng kế hoạch công tác năm 2025.
Theo đó, UBND thành phố giao các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2025 trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2024; đăng ký tối thiểu 2 nội dung nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, gửi Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (qua Công an thành phố) trước ngày 10/12/2024 để tổng hợp, rà soát, báo cáo UBND thành phố theo quy định. Đồng thời, tổ chức tổng kết công tác năm 2024; trong đó, quan tâm thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo quy định để kịp thời động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 06 năm 2024.
Các sở, ban, ngành đang thực hiện vai trò chủ trì đối với 19 nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 của thành phố năm 2024 đăng ký bổ sung tối thiểu 2 nhiệm vụ/đề án cần thực hiện trong năm 2025 trên cơ sở khai thác lợi ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tiện ích từ tài khoản định danh điện tử VNeID mang lại.
Sở Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố chủ trì, phối hợp, hướng dẫn Công an thành phố thực hiện công tác thi đua - khen thưởng trong thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 thành phố năm 2024.
Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố phối hợp Công an thành phố bổ sung các nhiệm vụ trên cơ sở biên bản thỏa thuận hợp tác với Cục C06, Bộ Công an và các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị gửi Công an thành phố để tập hợp, bổ sung vào kế hoạch chung của thành phố và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch công tác triển khai Đề án 06 năm 2025 và đăng ký các nhiệm vụ trọng tâm gửi Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ; chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình tổng kết công tác Ban Chỉ đạo năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Thành công trong thực hiện Đề án 06 không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn minh chứng cho “Tầm nhìn dài hạn” của thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời thể hiện nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt./.
- Từ khóa:
- Đề án 06
- Hà Nội
- người dân
- doanh nghiệp
- hưởng lợi