Đây là diễn đàn để đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương của Đảng.
(TTXVN) Với việc tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022, Ban Tổ chức hy vọng góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố chương trình Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra sáng 12/12, tại Nhà Quốc hội.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho biết: Đây là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).
Hội thảo diễn ra trong một ngày (17/12/2022) tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chủ trì Hội thảo là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.
Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với ba nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Trong phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.
Trong phiên toàn thể, Hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Hội thảo tập trung vào ba vấn đề lớn là: thể chế, chính sách và nguồn lực. Về nguồn lực tài chính, nếu Đảng, Nhà nước không quan tâm, khó đạt được những thành tựu như vừa qua. Tuy vậy, qua rà soát cho thấy còn những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nên cần nghiên cứu thỏa đáng, toàn diện nhằm khơi thông nguồn lực.
Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ, ngân sách đầu tư cho văn hóa là không nhỏ, tuy nhiên, đáp ứng được hay chưa, cần nghiên cứu, đánh giá để quan tâm, tăng cường hơn nữa. Sự quan tâm đầu tư đó thể hiện qua chương trình về văn hóa, lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng thông tin, bên cạnh ba chương trình mục tiêu quốc gia đang được thực hiện, vừa qua, Chính phủ đề xuất và Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. “Nguồn lực Nhà nước khó đáp ứng nên cần khơi thông nguồn lực từ xã hội. Muốn vậy, việc hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách tạo sức hấp dẫn, mang lại hiệu quả cần được nghiên cứu, rà soát”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh và kỳ vọng qua Hội thảo sẽ tổng hợp các đề xuất để tham mưu xây dựng các chính sách phù hợp, khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo điều kiện phát triển văn hóa hơn nữa.
Liên quan đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Công tác đào tạo, xây dựng, bố trí cán bộ làm công tác văn hóa là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước rất quan tâm với việc ban hành các đề án, chiến lược phát triển đội ngũ văn hóa, nghệ thuật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ liên quan đến nhiệm vụ này. Trong đó, đã đánh giá việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ làm văn hóa ở Trung ương, địa phương và nhận thấy nhiều địa phương chưa thật sự bố trí cán bộ đúng với năng lực, sở trường. Đây cũng là nội dung sẽ được đề cập, trao đổi tại Hội thảo để tìm ra các giải pháp, cụ thể hóa thành chính sách lớn về công tác cán bộ làm văn hóa, nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Thủy, hiện nay, Bộ đang xây dựng nghị định về chính sách đặc thù cho lực lượng văn nghệ sĩ. Bởi chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn bất cập, nhất là lĩnh vực đặc thù như múa, xiếc… “Tuổi nghề ngắn nên sau thời gian cống hiến, nghệ sĩ không thể tham gia biểu diễn được nữa nên cần có chính sách bố trí, phân công, đãi ngộ phù hợp", bà Thủy cho biết.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ để nghiên cứu, đề xuất giải pháp. Đây là một trong những nội dung dự kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. “Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến chuyên gia, đặc biệt là các văn nghệ sĩ, các địa phương để có chính sách phù hợp cho lĩnh vực đặc thù này”, bà Thủy nhấn mạnh./.