Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực nội sinh của phát triển. Văn hóa có tác động trở lại đối với kinh tế và các lĩnh vực khác, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn thúc đẩy xã hội phát triển.
TTXVN - Trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2023 được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 có mục thứ 5 - Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, hay nói cách khác, “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Quan điểm này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định rõ: Cần gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Nghĩa hẹp thì văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ.
Để luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trở thành nhận thức, chủ trương, chính sách, hành động của mọi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thì nhận thức và hành động của mỗi người trong hoạt động thực tiễn ở mọi lĩnh vực khác nhau trong tổng thể xã hội, phải thống nhất để nhận diện đúng, cụ thể về văn hóa.
Trước hết, phải nhận thức đúng, sâu sắc, phát huy hiệu quả vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào sự phát triển toàn thể của con người, dân tộc, đất nước. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa phải là nền tảng tinh thần của xã hội, định hướng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi chủ trương, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội và bản thân chính sách phát triển văn hóa), điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mọi con người.
Chỉ khi văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội một cách thực tế thì đất nước mới “phát triển nhanh, bền vững”, hướng đến mục tiêu đã xác định. Bản chất của việc xác định văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội là phải nhận thức và hành xử đúng, sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò, giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với việc đề ra và thực hiện chiến lược con người và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… trong tình hình mới phải hàm chứa sâu sắc yếu tố văn hóa, và thể hiện ở việc xây dựng, phát triển văn hóa đồng bộ, ngang tầm, khả thi.
Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 14/9/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Việc xây dựng Quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa, lịch sử truyền thống là một nguồn lực; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay. Đó là phải sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn. Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa… Đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.
Trong 11 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện năm 2023, tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ xác định rõ: Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị. Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, quan tâm hơn việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị thuần phong, mỹ tục, nhất là trên không gian mạng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích... Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập trên các lĩnh vực, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm.
Năm 2023, nước ta sẽ kỷ niệm 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò, vị trí của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực nội sinh của phát triển. Văn hóa có tác động trở lại đối với kinh tế và các lĩnh vực khác, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn thúc đẩy xã hội phát triển./. (Hết)
- Từ khóa:
- Phát triển văn hóa
- nghị quyết 01/NQ-CP