Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
TTXVN - Ngày 3/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 về công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhận định, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa được quan tâm đúng mức và triển khai thiếu quyết liệt. Tình hình cán bộ trong ngành Lâm nghiệp xin nghỉ việc gia tăng cùng nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; các chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo kế hoạch trong năm 2023; khẩn trương kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất lâm nghiệp gắn với rừng của các tổ chức, cá nhân được giao đất, thuê đất để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Chính quyền các địa phương tăng cường quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp, xử lý nhanh các vấn đề cấp bách liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương; đồng thời, chủ động bố trí các nguồn lực phục vụ quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế; triển khai các lực lượng tổ chức bảo vệ, truy quét ở các khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng để đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm; điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng…
Chủ rừng phải xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng trên diện tích được giao; bố trí đủ nguồn lực bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; tổ chức phục hồi lại diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trong thời gian qua.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, thời gian tới, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương xác định rõ trách nhiệm tham mưu của các cấp, cơ quan, ban, ngành, đơn vị có chức năng phối hợp trong tham mưu cho các cấp ủy, quyền địa phương triển khai tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước Nhà nước về việc để xảy ra tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý.
Các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, nghiêm trọng hoặc để kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Năm 2022, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 1.220 vụ, giảm 85 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, đã xử lý 1.063 vụ; tịch thu 143,77 m3 gỗ các loại và 170 phương tiện các loại; tổng số tiền nộp ngân sách hơn 1,8 tỉ đồng.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng có xu hướng gia tăng, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp như: huyện Ea Súp, Lắk, Ea HLeo, Cư Mgar, Ea Kar, Krông Bông. Những vụ việc đặc biệt nghiêm trong, như: vụ hủy hoại 404,3 ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp); vụ phá 74,6 ha rừng ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk)... Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế. Tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi chưa được ngăn chặn triệt để. Việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp…/.