Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia.
Trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh. Số liệu năm 2023 cho thấy nhóm người giàu nhất có mức sinh là 2 con, nhóm người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, nhóm người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Đây là con số được đưa ra trong Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Merck Healthcare Việt Nam tổ chức ngày 28/8, tại Hà Nội.
Sự kiện được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của gần 600 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện một số trường, học viện, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Hội thảo cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách cũng như thực thi chính sách ở cấp Trung ương, địa phương về thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam; các yếu tố ảnh hưởng đến số con mong muốn của các cặp vợ chồng ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Đồng thời, tham khảo quan điểm, chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và bộ công cụ chính sách, thực tiễn mức sinh cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ đó đưa ra những định hướng chung trong xây dựng chính sách nhằm duy trì mức sinh thay thế của Việt Nam.
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế thời gian qua. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, công tác dân số của nước ta đang đứng trước thách thức lớn. Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo dẫn đến ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số. Hệ lụy của nó là thiếu nguồn lao động và tỉ lệ già hóa dân số tăng lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chung của đất nước.
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Cần thực hiện các biện pháp đưa tỷ lệ mức sinh thay thế giữa các khu vực trong cả nước về mức đồng đều trong các khu vực, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế; theo các tỉnh, thành phố, đã có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cho biết, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Hiện nay, vấn đề mức sinh thấp đang là mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 về công tác dân số trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Cục Dân số tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu để tham mưu, đề xuất các giải pháp can thiệp mang tính khả thi phù hợp với Việt Nam, đưa vào Luật Dân số nhằm duy trì mức sinh bền vững ở các khu vực và nâng cao chất lượng dân số./.
- Từ khóa:
- Luật Dân số
- Bộ Y tế
- mức sinh thay thế